Thời trang xanh không còn là khái niệm xa lạ nữa. Bởi, rốt cuộc thì vật liệu sẽ là thứ quyết định nhiều nhất đến tác động môi trường của quần áo mà chúng ta sử dụng. Chỉ bằng cách chọn loại vải thân thiện với môi trường bạn đã tiến một bước lớn hướng tới tủ quần áo bền vững hơn.
Trước kia, các loại vải thông thường sử dụng trong ngành thời trang và hàng gia dụng như cotton, viscose, da thuộc… được phát triển với mục đích lợi nhuận. Nó đòi hỏi nguồn cung cấp nguyên liệu thô (gây tàn phá môi trường), phương pháp xử lý vật liệu sử dụng nhiều hóa chất (dẻo hóa, tẩy trắng, làm mềm và nhuộm). Đặc biệt hạn sử dụng ngắn khiến cho mỗi năm một lượng lớn chất thải dệt may đổ ra môi trường, tiềm ẩn biết bao nguy hại.
Trong khi đó, các loại vải thân thiện với môi trường ngày càng trở nên dễ kiếm hơn.
Sẽ không phải là bông, lanh, gai dầu, len… - những nguyên liệu thời trang bền vững từ lâu đã được nghe đến mà là táo, dứa, xoài, chuối, cà phê, lô hội… Bã của chúng - những thứ bỏ đi giờ lại là nguồn nguyên liệu quý giá làm nên những bộ quần áo thời trang tuyệt đẹp và cũng là vật liệu xanh có khả năng cứu hành tinh khỏi thảm họa rác thải thời trang.
Với vải sợi vỏ quả cam (hoặc một số loại quả khác) được làm từ vỏ trái cam tự nhiên. Theo đó vỏ những quả cam bị bỏ từ quá trình ép lấy nước, chế biến các món ăn hay cả những quả cam bị hư, hỏng (quá hạn sử dụng) sẽ được tập trung, làm sạch và chiết xuất lấy Cellulose (một loại phân tử hữu cơ phong phú nhất trên trái đất, chiếm tới 40% thành tế bào thực vật, được đưa vào ứng dụng trong nhiều ngành, nhất là dệt may).
Từ Cellulose sợi vải được dệt hình thành và làm nên loại vải sợi vỏ cam tự nhiên, tốt cho da, có lợi cho sức khỏe con người.
Với vải sợi chuối, vỏ cây được tước thành từng lớp mỏng, nấu sôi trong dung dịch kiềm để mềm và rã, se sợi ướt, nhuộm màu và dệt thành vải. Hay tương tự với vải sợi dứa, lớp thịt trên lá dứa (bị bỏ đi sau khi trang trại lấy quả) được đánh sạch (phần thịt lá này còn được tái sử dụng lần nữa là làm phân bón hữu cơ cho cây). Phần sợi thô còn lại được ngâm rồi phơi khô để tạo lớp sợi trắng, sạch tạp chất và đem se thành sợi làm nên vải sợi dứa.
Ngoài việc quy trình sản xuất có nhiều khâu thủ công có thể khiến giá thành sản phẩm bị tăng (nhưng bù lại lại tăng thêm thu nhập, việc làm cho người nông dân) thì "hoạt động tạo nguyên liệu thời trang xanh" rất hữu dụng.
Không chỉ tạo ra các loại nguyên liệu đa dạng phục vụ ngành dệt may, giúp thay thế nhiều sản phẩm công nghiệp có hại cho môi trường mà các loại vải từ cây, quả, lá... còn giúp giải quyết lượng lớn chất thải thực phẩm. Đặc biệt, các loại nguyên liệu xanh còn có nhiều tác dụng to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cho con người.
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn - thời trang là một phần của không khí hằng ngày và nó luôn thay đổi theo thời gian. Cho dù tái sử dụng chất thải thực phẩm hay chỉ đơn giản là khai thác DNA của thực vật để tạo ra các loại sợi mới cải tiến thì các công ty trên khắp thế giới hiện nay đang chứng minh rằng trái cây và rau quả là một phần không thể thiếu đối với các loại vải của tương lai.
Nguồn: Renew Blematter, Kind Sofgrace, Positive News, Eco Silky, WWD