Theo chia sẻ từ tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất tích cực. 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6,5% - 7%. Các tổ chức, cơ quan nước ngoài như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có cùng chung dự báo năm 2024 dù nhiều thách thức nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực ở mức trên 6% và lạm phát sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu 4,5%.
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cũng dự báo rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 6% trong năm 2024 so với mức 5% trong năm ngoái nhờ xuất khẩu phục hồi, đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ và các hỗ trợ chính sách.
Những số liệu do Chính phủ công bố trong 6 tháng đầu năm cũng củng cố cho các dự báo này. Chia sẻ tại sự kiện Giới thiệu Quỹ đầu tư tăng trưởng Thành Công (TCGF) với chủ đề "Quỹ mở cửa tương lai" ngày 21.7.2024, tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6,5% - 7%.
Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình, tức GDP bình quân đầu người đạt khoảng hơn 7.000 USD. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu trong vòng 5 năm tới nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,5%.
Về lạm phát, tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ thêm Việt Nam kiểm soát khá tốt trong 3 năm vừa qua, ở khoảng 3-3,5% so với mức 8-9% của thế giới. Dự báo năm nay lạm phát khoảng 4%.
Trong bối cảnh diễn biến kinh tế đang dần hồi phục tích cực, tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý rằng chúng ta đang có một thị trường chứng khoán còn rất non trẻ, chỉ mới hơn 20 năm. Quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư cá nhân, cũng như nhà đầu tư tổ chức như công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư vẫn còn khiêm tốn. Và do đó, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó, đầu tư chứng khoán qua các quỹ mở được quản lý chuyên nghiệp đang được cho là sự lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2024, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thể hiện qua việc VN-Index tích lũy trên 10%, còn thị trường có khoảng 17 quỹ mở tăng trưởng mạnh hơn với mức cao nhất gấp 3 lần.
Có thể điểm qua một số quỹ mở hàng đầu trên thị trường hiện nay như Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại VinaCapital VMEEF với mức tăng khoảng 30,2% - gấp 3 lần mặt bằng chung của sàn HoSE. Hay Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI; Quỹ đầu tư Chứng khoán năng động Dragon Capital và Quỹ đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt…
Thành công của những quỹ này trên thị trường trong nửa đầu năm cho thấy quỹ mở đang là xu hướng đầu tư có hiệu suất sinh lời tốt. Ưu điểm của quỹ mở là giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và công sức theo dõi thị trường. Thứ hai là các quỹ nói chung có đội ngũ chuyên gia kịp thời đưa ra những đánh giá phân tích và kế hoạch hành động phù hợp nhất để quản trị rủi ro. Thêm một lý do nữa là việc đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.
Không chỉ các quỹ mở lớn trên thị trường mà các quỹ mới như TCGF của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Thành Công TCAM cũng chú trọng các nguyên tắc này. Mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn, đa dạng danh mục để giảm thiểu rủi ro và đạt hiệu suất đầu tư vượt trội.
Ở thời điểm mà nền kinh tế còn nhiều thách thức, nhà đầu tư còn lăn tăn trước những biến động liên tục của thị trường, thì việc đầu tư vào các quỹ mở có thể giúp nhà đầu tư hạn chế được rủi ro và qua đó xây dựng nền móng tích sản vững chắc.
Bình luận (0)