Reuters ngày 10.1 dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2018 và đây là mức đỉnh cho chu kỳ tính từ năm 2008. Sau đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới giảm còn 3% vào năm 2019, rồi 2,9% vào năm 2020.
Theo WB, nhóm các nước đang trỗi dậy dự kiến tăng trưởng trung bình 4,5% trong năm nay và 4,7% trong năm tới. Còn các nền kinh tế phát triển năm 2018 dự kiến chỉ tăng trưởng 2,2%, giảm so với mức 2,3% của năm 2017. Chính vì thế, dù mức tăng trưởng có thể thay đổi nhưng xu hướng chung trong thời gian tới, các nền kinh tế mới nổi vẫn giữ vai trò định hướng chung.
Trong số này, các nước thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được đánh giá cao. Ví dụ, kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Bên cạnh đó, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng đến 7,3% trong năm 2018 rồi cán mức 7,5% vào năm 2019 và 2020. Ở châu Phi, Ghana ước tính tăng trưởng đến 8,3%, còn Ethiopia là 8,2%. Còn tại khu vực Mỹ La tinh, tăng trưởng mạnh nhất được dự kiến là Panama với 5,6%, còn Venezuela đang ngụp lặn trong khó khăn sẽ dừng ở mức 4,2%.
Liên quan tình hình giá dầu đang diễn biến phức tạp, WB dự báo giá dầu thế giới đạt mức trung bình 58 USD/thùng vào năm 2018. Đây cũng là mức mà nhiều chuyên gia đã dự báo và đủ để không gây tác hại cho nền kinh tế thế giới.
Bình luận (0)