Mà chính quyền và xã hội nỗ lực bao nhiêu thì đủ để phản ứng kịp thời và hiệu quả? Nếu kịch bản phức tạp hơn xảy ra thì sao, chẳng hạn có nhiều điểm nguy cơ lây nhiễm cùng lúc? Lúc ấy thì khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ ập đến, hệ lụy thì khỏi phải bàn.
Dịch bệnh kéo dài, chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chống chọi đến kiệt sức. Vậy nghĩ xem, ai mới thật sự là nhân vật trung tâm của cuộc chiến chống dịch? Là chính quyền chăng? Chính quyền phải ban bố mệnh lệnh khẩn cấp, phải tổ chức cách ly, phải huy động lực lượng y tế công, huy động ngân sách để phục vụ chống dịch, phải gấp rút tìm giải pháp vắc xin. Tất cả đều là những yêu cầu quan trọng mà hệ thống chính quyền phải đáp ứng và thể hiện đúng trách nhiệm với dân.
Nhưng tất cả những nỗ lực gồng mình căng sức đó của bộ máy chính quyền, dù có làm tốt đến mức nào, cũng có thể rơi vào nghịch cảnh “phép nhân với số 0”: Bao nhiêu nhân với không thì cũng bằng không. Cả tỉ nỗ lực của chính quyền để chống dịch mà vài cá nhân người dân thiếu ý thức tuân thủ thì coi như công cốc.
Chỉ cần tự mình thực hành, và nhắc nhau thực hành trong vài tuần, việc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát trùng, hạn chế tụ tập đông người thì sẽ giúp chính quyền chặn đứng nguy cơ lây nhiễm lan rộng. Chỉ vài tuần tuân thủ nghiêm túc quy cách phòng dịch thôi, còn hơn phải sống trong phập phù lo âu và đẩy nhiều hoạt động kinh tế, xã hội vào trạng thái treo, khiến cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân điêu đứng.
Người dân nào cũng muốn sớm khôi phục trạng thái bình thường cho xã hội, để còn đi lại, làm việc, học hành, để khỏi mất thu nhập, mất sinh kế. Vậy mà vẫn không ít trường hợp tùy tiện tụ tập ăn nhậu, không chịu đeo khẩu trang, xem thường việc giữ khoảng cách xã hội, bỏ qua yêu cầu rửa tay sát khuẩn. Ý thức tuân thủ quy tắc phòng dịch của từng cá nhân mà kém thì bao nhiêu nỗ lực dập dịch của chính quyền cho đủ? Và bao lâu thì nguy cơ lây lan dịch bệnh mới được chặn đứng?
Bình luận (0)