Các nhà khoa học từ Đại học London (UCL), hợp tác với các chuyên gia từ Đại học Cambridge và Imperial College London (Anh), đã xem xét lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và kết quả sức khỏe của hơn 300.000 người từ 8 quốc gia châu Âu trong gần 11 năm. Trong thời gian đó, hơn 14.000 người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh thực phẩm trong các nhóm:
Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu, như trứng, sữa và trái cây. Thực phẩm chế biến, như cá hộp, bia và phô mai. Thực phẩm siêu chế biến, như đồ ăn vặt mặn, thịt chế biến, đồ ngọt...
Thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản và hương vị nhân tạo, thường khiến chúng không tốt cho sức khỏe.
Kết quả đã phát hiện ra rằng cứ mỗi 10% lượng thực phẩm siêu chế biến tiêu thụ tăng lên thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 17%, theo Everyday Health.
Vai trò quan trọng của trứng và trái cây đối với bệnh tiểu đường
Đáng chú ý, kết quả cho thấy có thể giảm đáng kể nguy cơ bệnh tiểu đường bằng cách thay thế thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm ít chế biến hơn.
Cụ thể, thay thế 10% thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm chế biến tối thiểu như trứng và trái cây, giúp giảm 14% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Everyday Health.
Tác giả chính, tiến sĩ Samuel Dicken, từ Đại học London, cho biết: Nghiên cứu đã phát hiện những người ăn quá nhiều thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Tin tốt là thay thế thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm ít chế biến hơn như trứng và trái cây, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Đồng thời, thay thế 10% thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm chế biến, như pho mát tươi, cá hộp..., cũng có thể làm giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bình luận (0)