Hoãn cưới vào điểm nóng dập dịch
Sáng mùng 3 tết (tức 14.2) tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh, nơi đang có 26 bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị, cùng hơn 240 trường hợp F1 theo dõi sức khỏe, không khí lúc nào cũng tất bật.
Khắp các khoa, phòng đâu đâu cũng thấy bóng dáng các y bác sĩ trong bộ đồ blouse trắng đến thăm khám cho người bệnh, lau dọn, khử trùng nơi làm việc…
Năm nay dịch Covid-19 bùng phát đúng tết Nguyên đán Tân Sửu, gần 100 bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây phải tạm xa gia đình để lên tuyến đầu. Với các bác sĩ chưa lập gia đình thì dịp này còn là một Valentine đặc biệt nữa.
Vừa đi thăm khám bệnh nhân về, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (27 tuổi, Bệnh viện số 2 Quảng Ninh), cho biết dù đã dự định ngày cưới, nhưng vì lời kêu gọi cho tuyến đầu chống dịch, nên từ năm ngoái đến nay đã 3 lần hoãn cưới để vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
|
Theo bác sĩ Ngân, đợt dịch đầu tiên, chị tham gia công tác tại Bệnh viện số 2 từ giữa tháng 2.2020. Lúc ấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, bản thân chỉ nghĩ cùng các đồng nghiệp chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi bệnh mới rút quân. Thế nhưng khi làn sóng đầu tiên được đẩy lùi, chị cách ly thêm 14 ngày nữa thì lúc ấy đã là tháng 5.2020.
Sau khi đợt dịch đầu tiên đã được kiểm soát, còn chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (tháng 8.2020) lại bùng phát, bác sĩ Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch. Dù lần này chị không phải cách ly nhưng chồng chưa cưới quê ở Hải Dương và vì ổ dịch “Thế giới bò tươi” nên hai người chưa tổ chức đám cưới.
Tưởng chừng dịch tại Việt Nam đã được khống chế, bước vào mùa cưới, bác sĩ Ngân cũng dự định tổ chức thì nào ngờ dịch bệnh bùng phát một lần nữa. Đã vậy, lần này tâm dịch lại ở Quảng Ninh và Hải Dương.
Cùng với hàng trăm đồng nghiệp đang lăn xả, căng mình trong trận chiến chống dịch Covid-19, bác sĩ Ngân và chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong người vòng ngoài.
Xa nhau vài tháng để bên nhau mãi mãi
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Ngân dí dỏm kể “cơm không ăn gạo vẫn còn đó”. Việc cưới xin có dù có thể phải trì hoãn thêm vài tháng nhưng bác sĩ Ngân cùng bạn trai quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bên nhau mãi mãi.
“Đám cưới của chúng tôi phải trì hoãn lần thứ 3, nhưng vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vì vậy chuyện cá nhân của bản thân có thể gác lại sau cũng được. Chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé đẩy lùi đại dịch”, bác sĩ Ngân chia sẻ.
Tại Bệnh viện số 2, chúng tôi còn được gặp nhiều y bác sĩ trẻ cũng phải hoãn cưới, hay tạm xa gia đình nhỏ suốt dịp tết vừa qua. Nay lại đúng ngày lễ tình nhân, nhiều người không khỏi bùi ngùi nhớ đến "hậu phương".
Bác sĩ Nguyễn Chí Viễn (Bệnh viện số 2) cũng, cho biết anh phải hoãn cưới 2 lần vì dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 8.2020, khi dịch bệnh phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng anh và bạn gái cũng công tác trong ngành y phải tạm gác lại đám cưới. Nay tâm dịch ở Quảng Ninh, bạn gái vòng ngoài, còn bản thân vòng trong trực tiếp điều trị cho người mắc Covid-19, bác sĩ Viễn dù mong nhớ "hậu phương" những vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
|
“Tôi vẫn tranh thủ thời gian nghỉ để gọi điện hỏi thăm cô ấy. Ngày lễ tình nhân dù không có hoa hồng, sô cô la nhưng cũng đầy ngọt ngào, chúng tôi vẫn động viên nhau quyết tâm cùng đồng nghiệp đẩy lùi dịch Covid-19 để bên nhau mãi mãi”, bác sĩ Viễn nói.
Bác sĩ Dương Văn Linh (Bệnh viện số 2 Quảng Ninh), cho biết đây là dịp đặc biệt đối với tất cả những người công tác trong ngành y vì phải làm nhiệm vụ xuyên tết vì dịch bệnh. Trước đây, mọi người thường thay nhau trực để tranh thủ thời gian về với gia đình nay thì chưa biết đến khi nào.
Ngày 30 tết vừa rồi, để giúp y bác sĩ với đi nỗi buồn, Ban Giám đốc bệnh viện số 2 đã tổ chức chuyến xe cứu thương đặc biệt đưa 30 cán bộ y bác sĩ ngồi trên xe đi một vòng TP.Hạ Long ngắm không khí tết rồi quay về đơn vị để tiếp tục làm nhiệm vụ.
|
“Dịp này ai cũng nhớ gia đình, tôi vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để gọi video call cho bà xã. Vợ tôi cũng làm trong ngành y tế và phải làm nhiệm vụ vòng ngoài xuyên tết. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm yêu nghề, chúng tôi vượt qua khó khăn này để thực hiện nhiệm vụ cao cả mà nhà nước giao cho, luôn ở bên bệnh nhân để đẩy lùi Covid-19”, bác sĩ Linh nói.
Thật cảm động, khi chúng tôi được nghe những câu chuyện những chiến sĩ tuyến đầu phải gác lại niềm riêng, những khoảnh khắc thiêng liêng trong cuộc đời để ở bên người bệnh. Họ đã viết nên hình ảnh đẹp, là sự đoàn kết cùng nhau vượt lên khó khăn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bình luận (0)