Cụ thể, thay vì kể "từ 1.1.2024", mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phải trở lại với mức cũ trước đại dịch, thì văn bản của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ghi lùi tới 10 năm là "từ 1.1.2014".
Văn bản sai năm của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam gây ra một cuộc tranh luận trên các diễn đàn du lịch trong nước bởi ảnh hưởng tới với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Không còn được hỗ trợ về ký quỹ trong bối cảnh kinh doanh du lịch năm 2023 vẫn bết bát… các doanh nghiệp sẽ phải cân đo đong đếm nhiều yếu tố để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời gian từ ngày 28.10.2021 đến hết ngày 31.12.2023.
Văn bản của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam 'gây choáng'
Vì thế, kể từ 1.1.2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phải trở lại như cũ. Cụ thể: mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng); kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250.000.000 đồng (hai trăm năm mươi triệu đồng); kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng).
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ra ngân hàng nhận ký quỹ để nộp bổ sung tiền ký quỹ và đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo quy định (không cần đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành) và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đối với giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố đối với giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.
Việt Nam hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp lữ hành được cấp phép, trong đó có khoảng 4.200 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Bình luận (0)