Đối với thủy điện nhỏ, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nêu 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả: Nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch; Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật; Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác; Xem xét để bổ sung, điều chỉnh các quy định, chế tài để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, về phát triển năng lượng tái tạo, đại diện Tập đoàn điện lực VN (EVN) cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện; Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch; Cùng với đó Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành; Tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo… Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… Song song đó vẫn phải nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng…
Với điện gió, đại diện Sở Công thương Bình Thuận cho biết, mặc dù đã tổ chức triển khai một số dự án và có 3 nhà máy hòa lưới điện quốc gia, song đối với cả nước đây là lĩnh vực mới nên còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Theo đại diện Sở Công Thương, quan điểm phát triển điện gió và điện mặt trời của tỉnh phải gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa với sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh, phải gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội. Đối với điện mặt trời chỉ xem xét phát triển tại các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc phát triển các ngành nghề khác không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp; đồng thời phải đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là việc đấu nối lưới điện, truyền tải công suất điện đến các vùng phụ tải trong cả nước, bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, việc sử dụng năng lượng tái tạo cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch điện VII điều chỉnh hồi năm ngoái. Theo đó đã khẳng định ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; từng bước nâng cao tỷ trọng nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế…
Theo Thứ trưởng, đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể).
Bình luận (0)