CON TÀU PHẢI LÒNG MUÔN HẢI LÝ
Có một Văn Cao rất đặc biệt: Văn Cao - người viết tiểu luận và nhà phê bình thơ. Đó cũng là một trong số không nhiều lần ông bộc lộ xác tín của mình về thơ trong thời đại cách mạng: khi ông viết lời giới thiệu cho tập thơ Những ngọn đèn của Yến Lan, một người gần như cùng thế hệ với ông. Cũng chính Văn Cao đã vẽ bìa cho Những ngọn đèn. Trong bài tiểu luận giới thiệu tập thơ đó, Văn Cao viết: "… Sự chuyển hướng của thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn và cách gợi của nhà thơ…".
Ông nhìn thấy ở người bạn thơ của mình một điều rất đáng trân trọng: "… Trong thơ, có cái đang chảy và có cái đọng lại. Đấy là thơ của một người đã qua gần 20 năm trong những sự biến đổi quá nhanh của lịch sử văn học Việt Nam, một con đường có nhiều người đã nằm đọng lại giống như những vũng nước chỉ còn sáng ánh lân tinh, nhưng Yến Lan, với sự luôn luôn thay đổi, còn có thể làm bạn đường với những lứa tuổi khác…".
Có lẽ, ở chỗ này, Văn Cao vui sướng bắt gặp được niềm đam mê thay đổi ở người bạn thơ, cái hân hoan mà Trần Dần đã viết trong Bài thơ Việt Bắc: "Hãy sống như/Những con tàu/Phải lòng muôn hải lý/mỗi ngày/bỏ/sau lưng/nghìn hải - cảng - mưa - buồn!".
Cũng chính nhờ tập thơ này, Văn Cao đã có dịp bộc lộ tuyên ngôn của mình về thơ ca: "… Lần này, những người văn nghệ nào không có một thái độ yêu ghét rõ ràng và sáng suốt thì không thể nào thành công trong tác phẩm được. Càng gần thực tế bao nhiêu thì mỗi tác phẩm đều mang được sự sống bấy nhiêu, càng gần thực tế thì tác phẩm càng luôn mới bởi vì cuộc sống của chúng ta luôn đổi mới. Nhưng tất cả cái mới đó cần tới cách nhìn tinh tế và thái độ rõ ràng của nhà thơ. Ngày nay hãy nhìn lại những tác phẩm sơ lược tách khỏi đời sống, ta thấy chúng không khác gì những con sứa chết phơi trên bãi cát cùng với những thứ mục nát đã trôi trên mặt biển lâu ngày…".
Nhật - ký - nội - tâm
Văn Cao có một giai đoạn dài lưu văn, ít nhất, trong địa hạt văn chương. Từ sau năm 1957 - 1988 khi xuất bản tập thơ đầu tiên Lá, ông hiện diện trong đời sống văn nghệ chủ yếu với tư cách một người làm nhạc và đặc biệt với tư cách một người làm mỹ thuật ứng dụng: vẽ minh họa và bìa cho sách, báo. Thế nhưng trong giai đoạn đó, thơ vẫn là một phần trong cuộc đời văn nghệ của Văn Cao, dù số lượng văn bản để lại được công bố cho đến nay không phải là nhiều.
Nhìn lại di sản đó, có thể thấy Văn Cao không quá say mê với sự tìm kiếm sức gợi của vỏ âm thanh ngôn từ, một khuynh hướng mà cả Trần Dần lẫn Lê Đạt cùng theo đuổi, nhiều khi rất quyết liệt. Dấu vết hiếm hoi của những tìm tòi theo hướng này ở Văn Cao chỉ là một bài thơ Gửi một nhà thơ. Bài thơ có đoạn: "Hãy xếp lại thang âm/A ba ca/da đa la ma/Ôi vần thơ nhạc điệu/Trong trúc trắc nặng nề ngột ngạt/Trong chua chát ngậm ngùi hàng ngày/quằn quại/Chết mòn chết mòn chết mòn"...
Ở Văn Cao thơ cũng không hoàn toàn là một sức mạnh như trong thơ Phùng Quán: "Có những lúc ngã lòng/tôi vịn câu thơ đứng dậy". Trong thơ Văn Cao giai đoạn dài nói trên, không phải không có những vang vọng của đời sống xã hội. Đó là khi ông viết một thứ "thơ chiến đấu" không chỉ trong trường ca Những người đi tới biển mà cả trong một số bài thơ lẻ.
Hoàn cảnh và có lẽ cả chính bản thân con người Văn Cao không đưa ông trở thành một nhà thơ chính luận. Thơ với Văn Cao là một công cụ để ông tự ghi lại nhật - ký - nội - tâm mình qua những năm tháng đặc biệt.
Cách mạng thơ
Thơ Văn Cao được vận động theo hướng làm nghĩa. Nghĩa là đi tìm kiếm những khả năng biểu nghĩa phức tạp của kết hợp từ, hơn là theo hướng làm chữ, nghĩa là đi theo hướng khai thác tính âm nhạc, giá trị tự thân của từng con chữ. Văn Cao kiên định con đường thoát khỏi thơ định thể và kiên định với thơ tự do, thơ không vần như một cách để tạo một không gian đủ rộng cho thơ có thể co giãn từ cô đặc lại hoặc giãn dài như một trường ca.
Hành trình thơ của Văn Cao là một hành trình phủ định Thơ mới. Văn Cao bắt đầu viết thơ từ trước năm 1945 và trong đó, có dấu vết của những người cùng thời. Thế nhưng không phải những nhà thơ lãng mạn giai đoạn đầu mà chính những nhà thơ mới hậu kỳ như Chế Lan Viên và Vũ Hoàng Chương đã để lại dấu ấn trong thơ ông. Họ là những người báo hiệu một giai đoạn vượt qua Thơ mới, dù không ít, sẽ "lại giống" và quay về Thơ mới, điển hình như Vũ Hoàng Chương.
Văn Cao đã có hành trình đi qua thơ định thể, đi qua thơ vần bằng để hướng đến thơ tự do, thơ không vần và khai thác tận độ những kết hợp ngữ nghĩa bất thường của từ. Đó là hành trình mà nhiều người đã đi, có người bỏ giữa chừng như Nguyễn Đình Thi nhưng cũng có người hun hút theo đuổi như Trần Dần.
Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con - người - hành - động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ "không thơ". Và hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại mọi sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hóa thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ.
Bình luận (0)