Nâng lên đặt xuống nước ngọt
Bộ Tài chính đang trình đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi lên Chính phủ với nhiều nội dung mới. Trong đó, đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số mặt hàng như: đồ uống có đường (nước ngọt), thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn... Lý giải việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, Bộ Tài chính dẫn chứng lượng tiêu thụ nước ngọt ở VN tăng mạnh và theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000 - 2010 và 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em VN tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn. Chính vì vậy cần áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế TTĐB với nước ngọt mà đã nhiều lần "nâng lên đặt xuống". Năm 2018, đề xuất này cũng được bộ đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp (DN), bộ, ngành nên vẫn chưa thực hiện.
Theo luật sư (LS) Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, cơ sở đưa ra để áp dụng thuế TTĐB của Bộ Tài chính chưa hợp lý về thực tiễn. Bởi hầu như chỉ có một bộ phận trẻ em ở các thành phố lớn mới béo phì trong khi tỷ lệ này ở nông thôn, các tỉnh thành nhỏ hơn rất thấp. Việc cân nhắc để đưa ra một chính sách thuế cần có sự nghiên cứu kỹ, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các DN đang gồng mình với hàng loạt khó khăn. Hơn nữa, thay vì chỉ nghiên cứu tăng các sắc thuế thì theo ông Trần Xoa, Bộ Tài chính cần xem xét lại và nên thu hẹp bớt số sản phẩm phải chịu thuế TTĐB, nhất là xăng vì sản phẩm này không thể hạn chế tiêu dùng như rượu, thuốc lá.
"Hàng vạn người lao động đang bươn chải vì cuộc sống hằng ngày cũng phải sử dụng xăng để di chuyển, góp sức vào lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế. Việc xăng bị đánh thuế TTĐB chính những người lao động này bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá tăng cao. Xăng là sản phẩm có hạn nhưng cũng như đất đai là hàng hóa thiết yếu, không thể vì hạn chế sử dụng mà đẩy giá lên cao. Hơn nữa, chúng ta không thể so sánh với nhiều nước trong khi thu nhập của đại đa số người dân còn thua xa các nước", LS Trần Xoa nói.
Xăng "chung mâm" với rượu, thuốc lá
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích hiện nay khi DN lẫn nền kinh tế đang gặp khó khăn thì Chính phủ cần xem xét các giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế phát triển. Hơn nữa, sắp tới giá điện cũng sẽ tăng thì DN sẽ chịu gánh nặng chi phí rất lớn. Vì thế, chính sách thuế đối với xăng dầu cần được xem xét triệt để. Xăng là mặt hàng thiết yếu của toàn xã hội, từ DN đến người dân ai cũng phải sử dụng.
Về bản chất thì áp thuế TTĐB đối với hàng thiết yếu là không đúng. Bên cạnh đó, việc định giá xăng dầu tại VN đang quá rối rắm. Hai bộ Công thương và Tài chính bàn qua bàn lại nhưng không đi đến đâu, khiến người dân phải trả giá đắt cho nhiên liệu sử dụng hằng ngày.
Đó là chưa kể hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã được công bố là đáp ứng 70 - 75% nhu cầu xăng của cả nước thì tại sao lại vẫn tính theo giá nhập khẩu cộng với các loại thuế. Hoặc như hệ thống phân phối xăng dầu cũng đang có nhiều vấn đề từ đầu mối nhập khẩu đến cửa hàng bán lẻ, khiến thị trường nhiều lúc bị rối loạn, thiếu nguồn cung… TS Bùi Trinh nêu vấn đề: Tại sao không thể bỏ thuế TTĐB với xăng, giải thích của Bộ Tài chính trong thời gian qua vẫn thiếu thuyết phục.
Người dân cần được giải thích rõ hơn tại sao trong nước đã đáp ứng được 70 - 75% nhu cầu nhưng vẫn phải mua xăng với giá cao hơn thế giới? Nếu bỏ thuế TTĐB với xăng thì DN hoạt động tốt hơn và trong tương lai nguồn thu sẽ gia tăng, bù đắp cho phần thu từ thuế TTĐB. Ngoài ra, ông Trinh cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì cũng chưa vội mở rộng sắc thuế TTĐB đối với những mặt hàng khác. Ngược lại, nên mở rộng chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho nhiều mặt hàng để khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng.
Đồng tình, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định cơ sở để áp thuế TTĐB với xăng như nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản. Bởi hiện nay VN không có giải pháp thay thế cho nguồn nhiên liệu này do năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh.
"Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB. Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu… Đó là chưa kể xăng dầu đã phải gánh chịu thuế bảo vệ môi trường. Còn nếu tính đến mục tiêu thu thuế cho ngân sách nhà nước thì hiện nay sắc thuế này cũng không phù hợp bởi hai nhà máy lọc dầu trong nước đã cung cấp được hơn 70% nguồn cung. Vì vậy cơ quan quản lý phải xem xét sửa đổi chính sách thuế TTĐB với mặt hàng xăng càng sớm càng tốt, nhất là không thể hạn chế sử dụng đối với sản phẩm được xem là bắt buộc trong đời sống của người dân, lưu thông hàng hóa của DN", ông Đức nhấn mạnh.
Mới đây, Báo Chính phủ đưa tin trả lời kiến nghị của một số cử tri đề nghị bỏ thuế TTĐB đối với xăng, Bộ Tài chính cho biết thu thuế TTĐB là phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần giảm phát thải ra môi trường. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Tại VN, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995. Theo bộ, quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, với cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế TTĐB đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Bình luận (0)