Ủy ban Xã hội Quốc hội vừa có báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 đang diễn ra ngày 27.3.
Theo đó, cơ quan thẩm tra dự án luật cho hay, hiện Chính phủ vẫn trình Quốc hội 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần với những người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận một lần.
2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Phương án 1 là chia đối tượng người lao động nói trên làm 2 nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cơ quan thẩm tra cho hay, sự khác biệt của dự thảo luật với quy định hiện hành là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung.
“Dự thảo luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần, nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên”, theo báo cáo.
Nhóm thứ 2 là những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án thứ 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo luật thì đa số cho rằng phương án 1 do Chính phủ trình, cơ quan thẩm tra cho hay.
Lý do là phương án 1 có nhiều ưu điểm. Đó là, cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội).
Cạnh đó, hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BXHX; hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thời gian qua. Báo cáo dẫn chứng, giai đoạn 2016 - 2022 đã có gần 25% số lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần đã rút từ 2 lần trở lên.
Về lâu dài, nếu quy định theo phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.
Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu
Trong khi đó, ý kiến khác thì đồng tình với phương án 2 vì không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, phương án 2 quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng nên người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi. “Điều này, có thể dẫn đến phản ứng tập thể của người lao động và có thể gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật này có hiệu lực thi hành”, cơ quan thẩm tra nhận định.
Thêm nữa, phương án 2 không giải quyết triệt để được việc rút bảo hiểm xã hội một lần, không giải quyết được thực trạng một người có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.
Ngoài 2 phương án Chính phủ trình, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thiết kế phương án 3. Cụ thể là có lộ trình phù hợp hoặc một phương án có nhiều phương thức để người lao động lựa chọn hoặc điều chỉnh tỷ lệ hưởng hoặc có thể tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 1.7.2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng một lần theo lộ trình giảm dần và chấm dứt vào năm 2030.
Nên cần quy định có tính chất lộ trình để người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2030 trở đi thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần với các điều kiện như ở nhóm 1.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội cho hay, đa số ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất.
Dù vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục giải trình ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án Chính phủ trình, nhất là dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và dự liệu khả năng phát sinh vấn đề về xã hội, kinh tế, phòng ngừa khả năng xảy ra các phản ứng tập thể từ phía người lao động.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và cho phép lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về quy định này, nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang "trở thành thói quen" mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta”, cơ quan thẩm tra giải thích.
Bình luận (0)