|
Những năm qua, bạn đọc ngày càng quan tâm hơn đề tài lịch sử với ý thức sâu sắc về dân tộc và bày tỏ thái độ đầy trách nhiệm đối với các tác phẩm đó. Tại cuộc hội thảo, trong lời đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn, nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước thách thức không nhỏ về chủ quyền của đất nước, thậm chí thách thức này chứa đựng nguy cơ xung đột, thì việc nhìn lại lịch sử của dân tộc như là một cách để người VN đương thời nhận vào mình nguồn lực của tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ Tổ quốc từ các thế hệ người VN trước đó. Hiện thực văn học hôm nay cho thấy, sự hư cấu trong một vài tác phẩm về đề tài lịch sử còn thiếu logic, không xác lập đúng giá trị của sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử hay nhân vật lịch sử mà tác phẩm đề cập với cái nhìn còn phiến diện, thiếu công bằng và đôi khi cực đoan đã gây tranh cãi khá gay gắt”.
Bày tỏ sự vui mừng trước cuộc hội thảo văn học về đề tài lịch sử trong thời điểm quan trọng của đất nước hiện nay, nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần) tỏ ra rất bất bình về việc dạy và học sử hiện nay trong các trường học. Băn khoăn về thực tế một khảo sát xã hội học tại một trường đại học ở TP.HCM cho thấy nhiều sinh viên “Không biết Trần Quốc Toản là ai”, thậm chí “Không biết các vua Hùng là ai”, nhà văn Hoàng Quốc Hải báo động về việc “Toàn dân đói sử”. Vì sao có tình trạng này, ông Hải cho rằng trong hệ thống giáo dục ở nước ta, trọng tâm không đặt vào môn lịch sử và địa lý khi các giá trị lịch sử không được đề cao đúng mức. Do vậy, theo ông Hải, ngoài việc phổ cập lịch sử từ các cấp học, chúng ta cần phải văn chương hóa và nghệ thuật hóa lịch sử thì mới tránh được nạn “đói sử” hiện nay.
Nguyễn Việt Chiến
Bình luận (0)