Trình bày tham luận tại hội thảo kỷ niệm 40 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 15.2, GS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật T.Ư nhớ lại: những ngày 17.2.1979, cả nước hướng về biên giới phía Bắc của tổ quốc, sẵn sàng dốc toàn lực bảo vệ biên cương, mặc dù còn bao khó khăn chồng chất sau chiến tranh chống Mỹ.
Cả nước đều hát vang ca khúc Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: “Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom. Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi”, nhưng không có cách nào khác: “Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom. Quyết chiến thắng cho hôm nay cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền”. Từ ngàn đời nay, dân tộc ta là như vậy.
Ông Dũng kể: năm 2016, ông cùng một số tướng lĩnh, sĩ quan về thăm Vị Xuyên (Hà Giang), đứng trên đồi cao, một chiến sĩ đã từng chiến đấu ở điểm cao 1509 nói bên đó còn nhiều hài cốt của đồng đội đã hi sinh nhưng chưa thể quy tập được vì có rất nhiều mìn ở đó chưa thể rà phá.
“Tất cả chúng tôi lặng đi trong đau thương. 40 năm đã qua mà các đồng đội của chúng tôi vẫn còn nằm đó, mặc dù chúng tôi đã làm rất nhiều, rất nhiều, song còn mắc nợ những người đã hi sinh ở chiến trường ác liệt, thầm lặng, dai dẳng này”, ông Dũng chia sẻ.
Vị giáo sư cho biết, theo số liệu của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, trong những năm qua, chúng ta đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 7.000 hài cốt liệt sĩ đã ngã xuống dọc tuyến biên giới phía Bắc, song số hài cốt liệt sĩ ở đây chưa tìm kiếm, quy tập được còn khoảng 4.000. Trong số đó, riêng ở Hà Giang còn có 2.000 hài cốt liệt sĩ.
Ông Dũng nói, sự hi sinh cho chiến thắng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có sự đóng góp của cả nước, đặc biệt của tuổi trẻ cả nước. Sự hi sinh cho chiến thắng đó cũng là của nhân dân cả nước.
|
“Đã 2 lần tôi cùng đồng đội lên thăm viếng, thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Lần theo tên tuổi, địa chỉ của các liệt sĩ ghi trên bức tường lớn ở nghĩa trang, tôi đọc được tên rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, vẫn còn khoảng 4.000 liệt sĩ hi sinh dọc biên giới phía Bắc chưa thể tìm thấy và quy tập. Đã 30-40 năm trôi qua, các anh vẫn đang nằm ở tận nơi núi cao, rừng sâu, hiểm trở, có hài cốt lẫn trong bom mìn”, ông Dũng chia sẻ.
“Chúng ta đã làm rất nhiều với sự nỗ lực to lớn và tấm lòng biết ơn sâu sắc nhưng công việc phía trước còn nhiều vì hậu quả của cuộc chiến đấu này quá tàn khốc do sự xâm lược của Trung Quốc gây ra”, ông Dũng nói và khẳng định: "Chưa làm xong, làm nốt công việc này, tất cả chúng ta chưa thể an lòng".
Ông Dũng kiến nghị cần một chính sách đặc biệt hơn, một văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù tập trung giải quyết dứt điểm về cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở biên giới phía Bắc như chúng ta đã làm ở Campuchia và Lào để linh hồn hàng ngàn người đã hi sinh trở về với quê hương, với người thân hoặc được quy tập trong những nghĩa trang liệt sĩ để an nghỉ cùng đồng đội mình.
“Chúng tôi khao khát mong như vậy và chắc chắn rằng, tất cả chúng ta cùng mong như vậy”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)