Vẫn còn khoảng 350.000 doanh nghiệp phải xin giấy phép con

17/12/2019 12:06 GMT+7

Đại diện VCCI cho hay vẫn còn 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh và nếu nhân với hơn 714.000 doanh nghiệp hiện có thì có gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.

Tại buổi công bố tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ từ góc nhìn phía doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay, 17.12,  báo cáo do VCCI đưa ra cho thấy vẫn còn 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh, và nếu nhân con số này với hơn 714.000 doanh nghiệp hiện có thì tức là có đến gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.
Đây là báo cáo độc lập, được Chính phủ giao cho VCCI chuẩn bị, nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung.
Một số nét chính của báo cáo do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày cho hay, nếu như năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%.
“Dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714.000 doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, ông Tuấn tính toán.
Đáng nói, trong năm 2019, một số bộ tiếp tục đưa ra nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Hiện nay, theo ghi nhận đã có Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự thảo nghị định cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều bộ, ngành khác “có vẻ như không muốn tiếp tục” thực hiện nhiệm vụ này vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018. Trong những bộ tiếp tục rà soát thì mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước trong khi vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cần đặt hành trình cải cách của Việt Nam vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. "Cỗ xe" thể chế với rất nhiều bánh xe, rất nhiều khớp nối như hệ thống thể chế nhưng sẽ rất thuận lợi cho phát triển nếu các bánh xe này khớp nhau. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống pháp luật hiện vừa thông thoáng lại vừa lủng củng.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, sau những nỗ lực, từ năm 2014 đến năm 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4. “Nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải là thể chế vượt trội”, ông Lộc lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.