Vẫn còn nhiều quy định 'đẻ' thêm thủ tục

13/01/2021 08:58 GMT+7

Ngày 12.1, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh ” năm 2020 và tổ chức hội thảo về chủ đề này.

Trình bày báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận định rằng 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, nên Nhà nước đã có những nỗ lực để tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng luật có hiệu lực rồi nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên không biết thực hiện thế nào. “Như luật Đầu tư đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, nhưng cụ thể hóa thế nào lại còn chờ nghị định. Luật Doanh nghiệp tiếp tục được cải cách theo hướng bảo vệ nhà đầu tư vốn nhỏ, nhưng lại có những vấn đề rất lớn được thảo luận nhưng không đi đến đâu, chẳng hạn vấn đề về hộ kinh doanh”, ông Tuấn dẫn chứng.
Bên cạnh đó, vẫn có những quy định gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, ví dụ xu hướng thắt chặt hơn trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi bổ sung thêm một điều kiện lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe theo hạng tương ứng còn phải có “chứng chỉ hành nghề”. Hay quy định đối với hoạt động cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. Rồi đến cuối 2019, dự thảo nghị định lại thay đổi cơ chế để bổ sung thêm quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể cung cấp dịch vụ này. “Những biện pháp quản lý này là chặt chẽ quá mức cần thiết”, ông Tuấn bình luận.
Tương tự, chuyên gia pháp lý của VCCI Nguyễn Minh Đức thì nhận định “pháp luật cho lĩnh vực
kinh tế số đang tỏ ra... hụt hơi” trong khi kinh tế số đã trở thành một xu thế. “Đơn giản như việc cơ quan nhà nước yêu cầu các nền tảng cung cấp thông tin người dùng. Nhưng điều này lại gặp phải yêu cầu cân bằng giữa việc bảo vệ thông tin người dùng và yêu cầu chống các loại phạm tội trên không gian mạng”, ông Đức nói.
TS Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng cần xem cả ở các văn bản do cấp địa phương ban hành vì trung bình mỗi tỉnh 1 năm ban hành khoảng 450 văn bản quy phạm pháp luật, cấp huyện thì khoảng 20. “Có những vấn đề không căn cứ vào một quy định nào nhưng địa phương vẫn ra văn bản, nên không chỉ đánh giá ở cấp thông tư, nghị định và cần đánh giá cả xuống các địa phương”, ông Ba nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận xét việc bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá cho thấy vẫn còn những tư duy cũ trong các văn bản được soạn thảo. Thậm chí là những tư duy đóng cho những quy định mở như việc Nhà nước vẫn chưa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.