Theo báo cáo trên, tổng xuất xưởng thị trường tablet toàn cầu tăng nhẹ từ 30,6 quý 1/2023 lên 30,8 triệu máy vào quý 1/2024. Đây là lần đầu tiên thị trường này có lượng xuất xưởng tăng kể từ quý 2/2021 rồi dần bão hòa. Tăng trưởng lần này được đánh giá bắt nguồn từ sự bắt đầu của chu kỳ thay máy mới, mặc dù khối lượng dài hạn khó có thể sánh được với mức tăng đột biến đã thấy trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, việc chuyển sang sử dụng tablet cao cấp là một cơ hội tốt khi người tiêu dùng tìm kiếm các thiết bị có năng suất làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, lượng xuất xưởng của Apple và Samsung trong quý 1/2024 lần lượt giảm 8,5% và 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cho nên, quý 1/2024, thị phần của Apple giảm từ 35,2% xuống còn 32%, Samsung giảm từ 23,2% xuống còn 21,7%. Đây chính là tình trạng của cả Apple lẫn Samsung trên thị trường điện thoại di động (smartphone) thông minh qua báo cáo cũng do IDC công bố hồi tháng 4.
Trong khi đó, dù đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ, Huawei quý vừa qua lại có số lượng xuất xưởng máy tính bảng tăng cao, tăng đến 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng thị phần từ 6,6% lên 9,4%.
Theo phân tích của IDC, Apple đã phải đối mặt với sự tạm lắng vào năm ngoái do kinh tế suy thoái và thiếu các mẫu máy mới nên dẫn đến giảm lượng xuất xưởng. Còn Samsung thì chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, cùng với việc thiếu sản phẩm mới hấp dẫn nên cũng bị sa sút. Tuy nhiên, Samsung đang tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm mới nhất và tập trung vào các dòng tablet cao cấp để tận dụng chu kỳ thay thế năm nay. Điều này có thể tạo ra cơ hội để Samsung đạt kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Còn sự tăng trưởng của Huawei được đánh giá là nhờ vào sự hồi sinh của thị trường nội địa Trung Quốc, còn Lenovo thì đã gặt hái kết quả nhờ có nhiều sản phẩm mới, và Xiaomi đã tận dụng tốt việc mở rộng thị trường.
Bình luận (0)