Chỉ vừa mới có thông tin thay đổi cách tính giá điện theo mùa, vùng... dù chưa biết cụ thể phương án thế nào nhưng rất nhiều người dân, doanh nghiệp không khỏi lo lắng.
Bởi từ trước tới nay, mỗi lần ngành điện "rục rịch" thì giá điện chỉ có một chiều tăng. Vì thế họ lo ngại, lần này cũng không ngoại lệ.
Thực ra thì phương án tính giá điện theo mùa, vùng (mùa dùng ít, dùng nhiều; vùng dùng ít, dùng nhiều tương ứng với mức giá khác nhau) đã có từ trước chứ không phải tới giờ mới đề xuất. Việc này cũng hợp lý bởi giá điện phụ thuộc rất lớn vào nguồn phát điện cũng như mật độ sử dụng điện. Ví dụ nguồn phát là thủy điện thì giá rẻ hơn, nhiệt điện thì giá thành đắt hơn; nơi dùng nhiều thì giá phải khác nơi dùng ít chứ không thể đánh đồng...
Có điều là đề xuất này đưa ra đúng lúc hạn hán đang ở cao điểm, mực nước các sông, hồ đều xuống mức thấp kỷ lục. Nghĩa là nguồn thủy điện giá rẻ đang ít đi trong khi tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức cao, tới 12 - 13%/năm. Cung ít cầu nhiều... nên nỗi lo ngại giá điện tăng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Mà không chỉ năm nay, xu hướng thủy điện giảm trong cơ cấu nguồn điện đã được dự báo. Nếu lúc này đưa vào áp dụng cách tính giá điện theo mùa thì chắc chắn khoản chi cho điện của người dân, doanh nghiệp sẽ tăng lên. Trong khi không ít năm trước đó, nguồn thủy điện nhiều hơn thì giá điện cũng không hề giảm; phương án tính giá theo mùa, vùng cũng không được đưa ra. Nói một cách thẳng thắn thì tính cách gì, áp vào thời điểm nào cũng vẫn nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngành điện, chỉ có người dân vẫn luôn thiệt thòi. Đáng nói là họ không có sự lựa chọn. Hoặc là chấp nhận giá điện tăng, hoặc là khỏi dùng.
Chúng ta đều biết, điện ảnh hưởng rất lớn đến giá đầu vào hàng hóa, sản phẩm; tác động trực tiếp đến "sức khỏe" của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng công ty ngưng hoạt động vẫn đang tăng cao, việc tăng chi phí đầu vào rất có thể làm mất đi cơ hội, lợi thế và giảm sức cạnh tranh doanh nghiệp trong hội nhập. Vì thế bất cứ phương án tính giá nào cũng phải hết sức thận trọng và phải đảm bảo dung hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. Điều quan trọng nhất mà người dân cần vẫn là sự minh bạch và sòng phẳng trong cách tính giá điện. Họ có quyền được hỏi, suốt thời gian qua ở đâu cũng thấy làm thủy điện, thậm chí phá rừng làm thủy điện, tại sao nguồn phát điện này ngày càng giảm? Liệu áp dụng phương thức tính giá theo mùa, giá điện có lên - xuống theo mùa không hay vẫn chỉ một chiều như từ trước đến nay?
Có lẽ các câu hỏi này chỉ được giải đáp một cách thỏa đáng khi VN thực sự có một thị trường điện cạnh tranh. Còn trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền vẫn phải "cầm cân" để quyết định một phương án giá không gây thiệt thòi cho người dân, doanh nghiệp cũng như tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế.
Bình luận (0)