[…] Tại cơ sở trung ương này, vừa là trường học vừa là nhà xưởng và vừa là viện nghệ thuật trang trí, nên dành vị trí nào cho nghệ thuật ngoại lai?
Câu hỏi này thường xuyên được tranh luận. Người ta từng cáo buộc giáo viên Nhật Bản ở trường nghề Hà Nội đã "Nhật hóa" nghệ thuật An Nam! Người ta cũng phản đối cùng một giọng điệu trước nguy cơ nghệ thuật An Nam chạy theo nghiên cứu và bắt chước nghệ thuật Trung Hoa.
Chẳng phải mỗi giai đoạn phục hưng của nghệ thuật Pháp đều mang dấu ấn của một cuộc quay về với nghiên cứu nghệ thuật cổ đại Hy Lạp và La Mã đó sao? Việc học hỏi các bậc thầy ngoại quốc đã bao giờ bị coi là nguy hiểm với nghệ sĩ hiện đại của ta chưa? Người An Nam có thể tìm hiểu bí mật truyền thống của người Trung Hoa; họ có thể học lấy bài học của những bậc thầy Nhật Bản: chẳng phải các họa sĩ Pháp của chúng ta đã khai thác nghệ thuật Nhật Bản từ ba mươi năm nay còn gì?
Một ngôi trường như vậy có thể đem đến cho họ một sự giáo dục lớn lao, đó là nghiên cứu, là quan sát và hiểu biết thiên nhiên. Chính từ việc nghiên cứu thiên nhiên kết hợp nghiên cứu truyền thống mà một nghệ thuật mới có thể ra đời ở Đông Dương.
Chúng ta đã biết người bản địa có khả năng tôn trọng truyền thống như thế nào; trí tuệ của họ không kém phần thực tế và trí tuệ ấy đã tự khẳng định mỗi khi luật lệ và nghi thức cho phép. Vừa mới chiêm ngắm tượng Phật lớn bằng đồng ở Hà Nội, ta liền thấy trong bóng tối của bàn thờ một hình nhân xếp bằng, khoác áo choàng đỏ. Ta tới gần và vỡ lẽ đang đứng trước một bức tượng tôn giáo sống động đến kinh sợ.
GỢI Ý VỀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM MỸ THUẬT
Nhưng có một việc cần gầy dựng khác không kém phần quan trọng so với ngôi trường này. Đào tạo nhiều nghệ sĩ và hoàn thiện nghệ thuật sẽ chẳng có ích gì nếu không quan tâm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng khách hàng cần đạt tới là những người giàu có yêu nghệ thuật, sẵn sàng trả giá hậu hĩnh; loại khách đó không có nhiều trong số người Pháp ở Viễn Đông, cũng hiếm hoi trong số du khách quốc tế dừng chân ở Đông Dương: phải tìm họ ở châu Âu, ở Paris. Nhà sản xuất An Nam không dễ gì tiếp cận với nhóm khách hàng xa xôi ấy.
Một vài cửa hiệu ở thủ đô có quan hệ với thương nhân gốc Hà Nội chỉ hỏi mua những sản phẩm tân thời, giá rẻ để tiêu thụ nhanh. Cái ta cần làm là bố trí ở một khu phố được khách mê đồ nữ trang, thích những món xa lạ, một gian trưng bày khiêm tốn với vài món đồ nghệ thuật An Nam được tuyển chọn, và ta sẽ kéo tới đây những người yêu nghệ thuật, các nhà phê bình bằng cách quảng bá thận trọng để rồi tiến tới một cuộc triển lãm đồ đồng, đồ thêu, đồ kim hoàn, đồ nội thất. Những "ngôi nhà An Nam" tương tự có thể được tổ chức ở những thủ đô khác, nếu phương cách trên thành công, hoặc ít nhất là những cuộc triển lãm thường xuyên.
Có vẻ như chính quyền, nhà nước chưa để ý tới một sáng kiến thành lập tổ chức như vậy. Các bước hành chính không đủ linh hoạt để giảm thiểu ngàn lẻ một yêu cầu đối với một doanh nghiệp gần như thương mại này. Tôi cho rằng vai trò của Hiệp hội Mỹ thuật Đông Dương, vốn thường xuyên tiếp xúc với các nhà sản xuất và quen với việc tổ chức triển lãm nghệ thuật, hiểu biết về giá cả, và quan trọng nhất là, họ có được sự tin tưởng của các nhà trưng bày bản địa vốn không ngần ngại trao tác phẩm cho họ đem đi đấu xảo ở chính quốc; vâng, hiệp hội này nên đứng ra tuyển chọn sản phẩm nghệ thuật An Nam và đảm nhận đào tạo nghệ sĩ nghiệp dư ở châu Âu.
Điều này không có nghĩa sẽ chấm dứt sự tồn tại của các nhà đấu giá ở Hà Nội và Sài Gòn hay sự cộng tác của các doanh nghiệp này ở triển lãm quốc tế. Chỉ cần họ hợp lại thành một liên đoàn, với hỗ trợ tài chính của ngân sách địa phương, để đảm trách vận hành công việc. (còn tiếp)
Bình luận (0)