Vận động nam giới mặc áo dài dịp lễ

Những cuộc vận động nam giới mặc áo dài vào dịp lễ tết đang diễn ra một cách sôi nổi trong nhiều hội nhóm và giới nghệ sĩ.

Những ngày này, nhóm Đình làng Việt tíu tít chuẩn bị cho một hoạt động mới: quay clip quảng bá các giá trị đình làng và áo dài cổ để phát vào dịp tết. Dự kiến sẽ có 50 người xuất hiện trong clip. “Năm nay, chúng tôi quay thêm hình ảnh quảng bá trang phục áo dài truyền thống của nam giới. Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là người đã đề xuất ý tưởng và nhận đồng hành thực hiện clip này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của nhóm, nói.


Hướng dẫn mặc áo dài nam
“Một trong những lý do để nam giới e ngại áo dài là bởi họ cho rằng nó nữ tính. Việc áo dài nam bị nữ tính hóa cũng có lỗi do nhà thiết kế và người mặc nên tháng 3.2017, tôi sẽ có hoạt động hướng dẫn mặc áo dài sao cho đúng cách, đúng văn hóa tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM”.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, chủ nhân Bảo tàng Áo dài

Tại TP.HCM, trong nhóm Đại Việt Cổ Phong có những người may áo dài cổ. Những chiếc áo dài này duyên dáng đến mức có một số doanh nghiệp cũng tìm đến để đặt may thành đồng phục cho nhân viên.
Vừa trở về sau chuyến lưu diễn Hàn Quốc, ca sĩ Hàn Thái Tú khoe: “Khi diễn bên ấy, tôi mặc một chiếc áo dài nam và nhận được rất nhiều sự cổ vũ từ khán giả”. Ca sĩ Đức Tuấn thì yêu chuộng áo dài đường nét cổ truyền, ít họa tiết và khẳng định: “Tết này tôi sẽ mặc áo dài đi hát”.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng dự đoán tết này tại TP.HCM, áo dài nam sẽ được mặc nhiều trên đường hoa Nguyễn Huệ. “Bản thân tôi cũng thường vận động mặc áo dài trong khối doanh nghiệp, trong các CLB doanh nhân Sài Gòn”, ông nói.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL, cho biết cá nhân ông thấy áo dài nam là một trang phục rất lịch thiệp. “Rào cản với mặc áo dài nam là rào cản nhận thức. Nhiều người vẫn ám ảnh rằng bộ áo dài nam xuất phát từ áo dài khăn đóng, quay lại với nó là quay lại thẩm mỹ phong kiến lạc hậu. Họ cũng lo nó không phù hợp đời sống năng động, nhưng tôi nghĩ chỉ mặc lễ tết thôi thì rất được, thoải mái và đẹp lịch sự”, ông nói.
Chọn truyền thống hay cách tân?
Trong lúc áo dài cách tân của nữ với vạt ngắn, tay ngắn hoặc không tay, mặc cùng quần tây, quần jeans, chất liệu đa dạng được giới nữ chào đón nồng nhiệt trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, thì đang có 2 luồng ý kiến về áo dài nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đông cho rằng những mẫu áo dài cách tân của nam khó mặc do bó sát ôm người, khó cho vận động và nhiều khi hơi cách tân quá đà, bỏ mất đặc trưng của áo dài Việt, khó phân biệt với áo của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ông Đông, “áo cổ 5 thân là đặc trưng của VN, trong khi áo của Trung Quốc và Ấn Độ đều là 6 thân. Áo có 5 thân là tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và thân con. Nên các mẫu áo may kiểu xưa sẽ vừa ý nghĩa, vừa dễ mặc”, ông chia sẻ. “Áo dài chuẩn cổ rất tiện, gọn không hề vướng víu; chất tơ tằm thì lại cực kỳ nhẹ và mát, mùa đông thì lại ấm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đông cho biết.
Siêu mẫu Ngọc Tình Ảnh: Johnny Trần
Trong khi đó, không ít nhà thiết kế cổ súy cách tân áo dài nam cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Năm nay, họa sĩ Nguyễn Thu Hà, người chuyên phục trang cho các phim lịch sử, có hẳn một “cẩm nang” hướng dẫn cách chọn vải, may và mặc loại áo dài nam qua mạng xã hội. Theo đó, có tới 3 lớp áo khi mặc áo dài nam. Lớp mặc trong cùng là áo cánh hoặc áo bà ba, thường may màu trắng, vải mềm, cổ đứng hoặc cổ viền tròn, lớp này nên may 2 túi áo để cất điện thoại. Hai lớp còn lại gọi là áo dài cặp gồm 2 áo dài. Áo dài lót thường may màu trắng, nên chọn vải mềm, cổ đứng. Áo dài ngoài chọn màu sắc, chất liệu theo sở thích, nhu cầu cá nhân. “Cũng có thể mặc áo dài ngoài, bên trong mặc áo sơ mi, quần Âu, đi giày tây. Nhà văn Vũ Trọng Phụng thường mặc theo cách này”, bà Hà cho biết. Việc chọn vải cũng được bà Hà hướng dẫn: ngoài các loại vải truyền thống như the, đũi, đoạn, gấm, satin… còn có thể may áo dài bằng các loại vải công nghiệp rất phong phú. “Áo dài nam nên chọn các loại vải có độ dày, cứng cáp, khi mặc sẽ đứng áo hơn. Có thể chọn các loại vải tương tự như vải may đồ vest, quần Âu, lên áo trông lịch sự, sang trọng”, bà Hà chia sẻ.
Hướng về người mặc trẻ, nhà thiết kế Thuận Việt cho rằng áo dài nam nếu theo xu hướng hiện nay và muốn dễ mặc thì thường may bằng chất liệu cotton, lanh tơ thô, ngắn ngang đầu gối, vừa trẻ trung, vừa tiện lợi.
Á vương Đại sứ Hoàn vũ 2016, Siêu mẫu Ngọc Tình, người gần đây thường xuyên xuất hiện trong trang phục áo dài ở các sự kiện, hào hứng: “Tôi mong muốn nên phát động phong trào mặc áo dài cả nam và nữ trong những ngày tết. Thử nghĩ xem ngày mùng 1, cả đại gia đình xúm xít áo dài mừng tuổi nhau, chúc tết, sau đó chụp hình thì ý nghĩa biết bao. Cùng mặc áo dài dịp tết giúp gia đình gần gũi, yêu thương nhau vì thể hiện sự đồng nhất trong thời trang, và dù đó là áo dài cách tân hay truyền thống thì nó vẫn mang vẻ đẹp văn hóa Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.