Theo Hội đồng Bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các địa phương, đã có hàng trăm cuộc tập huấn kỹ năng tranh cử được tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu dân cử. Nhưng làm cử tri ở một số cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên, người viết bài nhận thấy, ngoại trừ số ít các đại biểu vốn là quan chức chính quyền, các đại biểu chuyên nghiệp, kỹ năng tranh cử còn thiếu ở hầu hết các ứng viên.
Không ít ứng cử viên chuẩn bị kế hoạch, chương trình hành động sơ sài, không sát thực tế nên lúng túng khi thuyết trình và trả lời câu hỏi, chất vấn của cử tri. Ngược lại, cũng có ứng cử viên “thao thao bất tuyệt”, trình bày dông dài toàn những điều “không liên quan” khiến cử tri khó hiểu và có cảm giác hoài nghi những điều ứng cử viên hứa hẹn.
Vận động tranh cử (election campaign) là nhằm thuyết phục càng nhiều cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên càng tốt. Ở các nước vận động tranh cử là một quy trình bắt buộc, được chuẩn hóa, cực kỳ chuyên nghiệp (có người chuyên lo việc vận động tranh cử cho ứng viên), từ việc chọn thông điệp, tuyển tình nguyện viên, tổ chức các sự kiện... và đặc biệt hấp dẫn. Thông điệp tranh cử là một trong những nội dung rất được chú ý trong khi vận động tranh cử ở các nước. Đó là một vài điểm nhấn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, ăn sâu vào trí não và con tim người nghe, chứa đựng những tư tưởng chính mà ứng viên muốn chia sẻ với cử tri. Thông điệp đó phải được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhằm tạo và giữ ấn tượng trong cử tri.
Ở ta, các ứng viên để có tên trong danh sách bầu cử đã trải qua một quá trình hiệp thương dài trước đó, cho nên việc vận động tranh cử (bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử), thường được tổ chức ở mức độ hạn chế, với thành phần được lựa chọn. Hơn nữa, cơ chế “chọn mặt gửi vàng” ở ta không chỉ được thực hiện theo tiêu chuẩn, mà còn theo cơ cấu. Vấn đề là cử tri sẽ lựa chọn cái gì: chọn tiêu chuẩn thì sẽ giúp cơ quan dân cử có chất lượng cao, chọn cơ cấu sẽ củng cố chức năng đại diện của các cơ quan này.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, một đại biểu không đủ “tiêu chuẩn” về trình độ và khả năng lôi kéo, thuyết phục cử tri sẽ rất khó làm tốt chức năng đại diện (tạo ra tác động trên nghị trường để bảo đảm quyền lợi cử tri). Do vậy, các ứng viên cần đảm bảo rằng, cử tri bỏ phiếu cho mình vì họ bị thông điệp của ứng viên thuyết phục, chứ không phải vì cơ cấu.
Bình luận (0)