Vận hành kho cảng LNG 500 triệu USD, tăng tốc chuyển đổi năng lượng

10/03/2024 13:12 GMT+7

Dự kiến từ quý 3, kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ đi vào vận hành thương mại sau quá trình chạy thử, góp phần quan trọng trong cung cấp LNG cho các nhà máy điện và các ngành công nghiệp ở khu vực phía nam.

Mở ra chương mới cho chuyển dịch năng lượng

AG&P LNG - công ty hàng đầu về kho cảng và cơ sở hạ tầng LNG hạ nguồn (một công ty con của Tập đoàn Nebula Energy của Mỹ) vừa thông báo đã mua 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép của một công ty tư nhân Việt Nam chủ đầu tư.

Cảng nhập LNG Cái Mép trị giá 500 triệu USD với công suất 3 triệu tấn/năm và có thể nâng cấp lên 6 triệu tấn/năm. Dự kiến từ quý 3, kho cảng LNG Cái Mép sẽ đi vào vận hành thương mại sau quá trình chạy thử, góp phần quan trọng trong cung cấp LNG cho các nhà máy điện và các ngành công nghiệp ở khu vực phía nam.

Vận hành kho cảng LNG 500 triệu USD, tăng tốc chuyển đổi năng lượng- Ảnh 1.

Kho cảng LNG Cái Mép sẽ đi vào vận hành thương mại từ quý 3, công suất 3 triệu tấn/năm và có thể nâng cấp lên 6 triệu tấn/năm

ĐT

Trước đó, cuối tháng 10.2023, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và đơn vị thành viên là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã tổ chức khánh thành kho cảng LNG Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bến cảng của LNG Thị Vải có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm; giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm.

Theo Petrovietnam, đây không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam mà còn là một ví dụ điển hình cho việc hiện thực hóa sự chuyển đổi của ngành năng lượng quốc gia.

Nhu cầu sử dụng điện ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Để đáp ứng nhanh, đảm bảo môi trường, điện khí là phương án được đánh giá khá ưu Việt. Đáng chú ý, hiện nay một số quốc gia nhập khẩu đưa ra yêu cầu sản phẩm phải sản xuất ra từ môi trường sạch. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt rốt ráo chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xanh trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, việc liên tiếp đưa vào vận hành các kho cảng LNG được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia của Việt Nam thời gian tới.

Kho cảng LNG Cái Mép được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam, khu công nghiệp Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW. Cảng này có vị trí chiến lược gần ĐBSCL và có 3 bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn.

Đề cập đến thị trường năng lượng sạch Việt Nam, ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc điều hành AG&P LNG, cho rằng so với quy mô thị trường hiện tại và phát triển trong tương lai, tiềm năng thị trường năng lượng sạch Việt Nam còn rất lớn.

"Kho cảng LNG Cái Mép sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường an ninh năng lượng, mở ra một chương mới cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam", ông Karthik Sathyamoorthy đánh giá.

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khuôn khổ pháp lý

Nhấn mạnh Việt Nam có mục tiêu rất nghiêm túc về chuyển đổi sang năng lượng sạch, ông Karthik Sathyamoorthy tính toán: "Cộng 2 kho cảng hiện nay thì công suất còn rất nhỏ so với nhu cầu thị trường; trước mắt, trong 4 - 5 năm tới chưa chắc đã có thêm kho cảng nào".

Ông Karthik Sathyamoorthy cũng thừa nhận thách thức chính của các dự án điện khí LNG tại Việt Nam hiện nay là khung pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật còn trong quá trình xây dựng, chưa đầy đủ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG, phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu LNG của Việt Nam sẽ tăng lên, việc nhập khẩu phải theo thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho các dự án điện khí LNG ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thậm chí chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG.

"Theo Quy hoạch điện 8, từ nay đến năm 2030 chỉ còn vài năm nữa để các dự án điện khí LNG triển khai đi vào vận hành. Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì các dự án điện khí LNG sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", ông Phong cảnh báo.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 7.2023 nêu rõ, về lĩnh vực công nghiệp khí, một trong những mục tiêu cụ thể đặt ra là: xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ năng lực cung cấp 100% nhu cầu khí nguyên liệu cho điện và cho các hộ tiêu thụ khác. Trong đó, năng lực nhập khẩu LNG đạt khoảng 15,7 - 18,2 tỉ m3 vào năm 2030 và định hướng khoảng 10,6 - 12,2 tỉ m3 vào năm 2050. Phát triển thị trường khí đạt khoảng 30,7 - 33,2 tỉ m3/năm vào năm 2030; định hướng khoảng 20 - 22 tỉ m3 vào năm 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.