Cầu ngói Thanh Toàn là cầu vòm bằng gỗ, mái ngói, lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), được xây dựng năm 1776 bởi bà Trần Thị Đạo, người làng Thanh Toàn (sau này là làng Thanh Thủy) - vợ của một vị quan đầu triều xứ Thuận Hóa. Đến nay, cầu đã trải qua 5 lần trùng tu sửa chữa, dài gần 17 m, rộng hơn 4 m, với 18 trụ cột bằng gỗ, bắc qua mương làng bên cạnh dòng sông Như Ý. Công trình này là cầu gỗ cổ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam.
Trong quá trình tu bổ Cầu ngói Thanh Toàn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TX.Hương Thủy (chủ đầu tư công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích) đã tham vấn ý kiến giới chuyên gia, tổ chức một số cuộc hội thảo “đầu bờ” để xác lập phương án thi công tối ưu. Các hạng mục đã được thực hiện gồm: tu bổ, phục hồi hệ thống ván sàn và kết cấu khung chính bằng gỗ lim (cột, kèo, lan can, kệ ngồi...); phục hồi hệ thống mái lợp bằng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ...; xây phục hồi 2 tường đầu hồi, phục hồi nguyên gốc 2 câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ; trang bị hệ thống đèn led chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống báo cháy tự động... Đặc biệt, hệ thống cột trụ, cấu kiện bằng gỗ được sơn chống hàu, mối mọt nhằm tăng tuổi thọ cho công trình.
Bình luận (0)