Làm không mệt, nghe đồng nghiệp “bàn lùi” mới mệt
Giai đoạn đầu thành lập, anh Ngô Duy Phúc (38 tuổi, nhà sáng lập Công ty truyền thông quảng cáo Brandcom.au ở Q.3, TP.HCM) kể, công ty có 3 nhà sáng lập cùng làm việc, đưa ra ý tưởng vận hành và tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, qua một thời gian làm việc, đồng nghiệp của anh có hiện tượng đùn đẩy công việc, phàn nàn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc chung.
“Là công ty khởi nghiệp nên lúc đó chúng tôi rất cần sự chung tay để có được những khách hàng đầu tiên. Tuy nhiên, người đồng sáng lập liên tục đưa ra ý kiến trái chiều nhưng lại không kèm giải pháp phát triển công ty. Thời điểm đó, chúng tôi chưa có nhiều vốn nên chỉ vận hành online và tuyển nhân sự part-time, nhưng cô ấy cứ muốn phải thuê trụ sở, tuyển nhân viên chính thức làm việc”, anh Phúc cho hay.
Anh Phúc cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi đồng nghiệp luôn than thở và “bàn lùi” vì lo ngại không thể hoàn thành công việc. Điều này vô tình làm mất đi động lực và ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết của công ty.
“Trong một nhóm làm việc mà một người suốt ngày cứ phàn nàn, đùn đẩy công việc thì dễ xuất hiện tình trạng những người còn lại phải ‘gánh team’. Việc này rất nguy hại vì ảnh hưởng tiến độ công việc chung. Công ty làm việc vì khách hàng, nếu nhân viên cứ chểnh mảng, bàn ra thì người quản lý có thể đặt vấn đề có nên giữ lại họ hay không”, anh Phúc nói.
Tương tự, chị Như Khánh (22 tuổi, ở Q.8) thường xuyên gặp tình trạng đồng nghiệp than vãn, kêu ca ở công ty. Chị Khánh đang làm việc tại một công ty đa ngành tại TP.HCM. Chị thường xuyên gặp trường hợp đồng nghiệp than thở vì quãng đường đi làm quá xa và liên tục “bàn lùi” công việc.
Theo chị Khánh, mỗi nhân viên trong công ty cần đóng góp những giải pháp hiệu quả cho công việc, thay vì mang lại cảm xúc tiêu cực, làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc chung.
“Khi đồng nghiệp phàn nàn về điều gì đó, tôi sẽ đưa ra một số ý kiến cá nhân để giúp họ giải quyết vấn đề. Nếu họ chỉ tiếp tục than vãn mà không tìm cách khắc phục, tôi sẽ bỏ qua và tập trung vào công việc của mình. Còn khi triển khai kế hoạch công việc mà đồng nghiệp cứ “bàn lùi” và không đóng góp ý kiến, tôi sẽ báo cáo với sếp hoặc trưởng nhóm. Từ đó, cấp trên sẽ can thiệp và có phương án giải quyết, đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều có trách nhiệm với công việc của mình”, chị Khánh nói.
Mối nguy phá vỡ sự gắn kết của đội nhóm
Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng, việc phàn nàn và đùn đẩy trách nhiệm nơi công sở cần được nhìn nhận đa chiều, bởi nó không chỉ phản ánh những bất cập cần giải quyết mà còn là cơ hội cải thiện môi trường làm việc.
Ông Nguyễn Phạm Thành Danh, quản lý nhân sự tại Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Thép Khương Mai, nhận định vấn đề phàn nàn có thể là “con dao hai lưỡi” ở môi trường công sở.
“Phàn nàn có thể là dấu hiệu cho thấy nhân viên đang cố gắng phản ánh một vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ trích mà không đưa ra giải pháp, điều này dễ trở thành mâu thuẫn và phá vỡ sự gắn kết của đội nhóm”, ông Danh cho biết.
Theo ông Danh, tình trạng phàn nàn thường xuất hiện ở những tổ chức thiếu rõ ràng trong phân công nhiệm vụ hoặc văn hóa làm việc không minh bạch. Khi một nhân viên cảm thấy bất mãn với khối lượng công việc hoặc tính chất công việc của mình, họ thường rơi vào trạng thái phàn nàn và tìm cách đùn đẩy trách nhiệm.
Để giải quyết vấn đề này, ông Danh nhấn mạnh vai trò của người quản lý trong việc xây dựng văn hóa giao tiếp lành mạnh ở môi trường công sở. Ông Danh cho rằng, doanh nghiệp cần tổ chức các buổi chia sẻ định kỳ hoặc hộp thư góp ý để nhân viên bày tỏ nguyện vọng. Điều quan trọng là những phản hồi của nhân viên được nhà quản lý lắng nghe, xử lý nghiêm túc để họ cảm thấy tiếng nói của mình có giá trị.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc khen thưởng, đề bạt để nhân viên cảm thấy được công nhận giá trị của mình và yên tâm làm việc.
Bình luận (0)