Văn hóa đọc phát triển nhờ người trẻ

23/03/2018 07:04 GMT+7

Độc giả trẻ Việt đã, đang và sẽ vẫn là một lực lượng quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc ngày càng phát triển.

Người trẻ lan truyền cảm hứng đọc
Từ ngày 17 - 18.3 khi chưa khai mạc Hội sách TP.HCM lần thứ 10 (diễn ra vào 19 - 25.3 tại công viên Lê Văn Tám, Q.1), khi các gian hàng còn đang tấp nập trang trí, bày biện sách, đã có rất nhiều bạn trẻ hớn hở đến với hội sách, nằn nì xin mua ngay những cuốn sách mới còn thơm mùi giấy vừa được bày trên kệ. Trước sự nhiệt tình của độc giả, một số gian hàng đành phải… vừa bày vừa bán.


3 ngày, doanh thu 15,6 tỉ đồng
Với kỳ vọng thu hút 1 triệu lượt khách, Hội sách TP.HCM lần 10 năm nay có tới 900 gian hàng của 175 đơn vị tham dự, trưng bày hơn 30 triệu bản sách. Theo thông báo của ban tổ chức, sau 3 ngày (19 - 21.3), doanh thu hội sách đã đạt 15,6 tỉ đồng, tăng trung bình hơn 25%/ngày so với hội sách lần 9.

Cũng có rất nhiều bạn trẻ, thậm chí gần như tuần nào cũng hẹn hò nhau đi đường sách TP.HCM, nhiệt tình cặm cụi lựa sách tại các gian hàng bất kể trời nắng nóng, chen nhau xếp hàng xin chữ ký các tác giả và hầu như không bỏ sót các hoạt động giao lưu tác giả nào mà họ yêu thích.
Việc cả gia đình dẫn con cái tới đường sách vào các dịp cuối tuần đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của TP.HCM trong hai năm qua. Một ông bố trong lúc chờ vợ và con gái đang độ tuổi teen vào lựa sách cho biết, thoạt đầu do áp lực công việc bận bịu, anh đã mất thú đọc sách từ rất lâu, nhưng do con gái nài nỉ, giục giã đòi đi mua sách cuối tuần nên lâu dần việc cả nhà cùng đi mua sách chung cũng thành thói quen sinh hoạt gia đình. Trong lúc chờ con chọn mua sách, cha mẹ cũng nhân tiện chọn cho mình một vài cuốn ưng ý. “Cháu đã chọn sẵn những cuốn sách yêu thích, cũng nằn nì xin chúng tôi cho đi dự giao lưu ra mắt sách của một số nhà văn. Lũ trẻ bây giờ nhận thông tin nhanh lắm”, ông bố tự hào nói.
Sự lan tỏa văn hóa đọc cứ vậy mà hình thành, từ chỗ bị động trở thành chủ động, giới trẻ đã không chịu ngồi yên để cha mẹ chọn sách giùm mình, mà đã tự tìm mua những cuốn sách mà họ thực sự quan tâm.
Thụ hưởng nền văn hóa đọc dễ tiếp cận
Người đọc Việt ngày càng có cơ hội dễ dàng tiếp cận với khối lượng sách mới, đa dạng và ngồn ngộn tri thức. Nếu như việc mua sách trước đây chỉ có cách thức duy nhất là tới các nhà sách, thì giờ đây, người đọc có thể dễ dàng mua ở mọi nơi, từ các đường sách mọc liên tiếp tại TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu… hay tại các hội sách.
Thậm chí chỉ với một cái “click” chuột, độc giả cũng dễ dàng đặt mua được sách giấy lẫn sách điện tử với giá cực mềm trên các trang Tiki.vn, Fahasa.com, Vinabook.com… Những đợt giảm giá lớn cùng nhiều loại quà tặng, trò chơi hấp dẫn trên các trang mạng này càng dễ thu hút độc giả trẻ. Thậm chí đã có không ít độc giả trẻ khi đi mua sách tại Hội sách TP.HCM đều đề nghị được “cà thẻ” hoặc “thanh toán online” qua điện thoại để có điều kiện mua được nhiều sách hơn.
Độc giả đến Hội sách TP.HCM lần 10 ẢNH: KHẢ HÒA
Nhà văn trẻ Anh Khang nói, anh và nhiều bạn đọc khác đang được thụ hưởng một nền văn hóa đọc ngày càng dễ tiếp cận. Anh cũng cho biết đây là lần thứ 3 anh tham gia Hội sách TP.HCM với lịch ký tặng sách tại các gian hàng luôn được các bạn trẻ ủng hộ đông nghịt. “Điều đó chứng tỏ rằng, trong nhiều lựa chọn giải trí như xem phim, nghe nhạc… thì mọi người vẫn dành một sự quan tâm nhất định cho sách. Tôi thấy tình yêu dành cho sách của các độc giả chưa bao giờ giảm, chứng tỏ tình yêu với sách của người dân TP.HCM nói riêng và của người dân cả nước vẫn còn tràn đầy. Đây là một tín hiệu vui và đáng mừng”, nhà văn Anh Khang nói.
Trong buổi giao lưu ra mắt bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây của nhà nghiên cứu An Chi (diễn ra tại Hội sách TP.HCM hôm 20.3), độc giả Dung (25 tuổi) đã phát biểu cô rất thích đọc loại sách của tác giả An Chi. “Điều này khiến nhiều khách tham dự sự kiện bất ngờ và vui mừng vì loại sách nghiên cứu về từ nguyên của tác giả An Chi thường “kén” độc giả và phần lớn thường chỉ thu hút các độc giả lớn tuổi”, nhà văn, nhà thơ Lê Minh Quốc kiêm MC buổi giao lưu đưa ý kiến.
Nhiều hoạt động giao lưu tác giả, ra mắt sách mới, nói chuyện chuyên đề… cũng là những nội dung thú vị dễ thu hút độc giả trẻ tích cực đến với sách nhiều hơn. Lý giải về điều này, nhà văn Anh Khang nói: “Rất nhiều bạn đọc trẻ thích đến tham gia hội sách không chỉ bởi cơ hội được mua sách giá rẻ, mà quan trọng hơn nhiều là họ được tham gia nhiều hoạt động đằng sau trang sách. Trước đây, khi đọc sách, độc giả chỉ được tiếp cận với tác giả qua câu chữ trên sách thôi. Còn bây giờ có hội sách, có những hoạt động giao lưu gặp gỡ, họ sẽ được đối thoại trực tiếp với tác giả. Học sinh, sinh viên mua sách rất nhiều vì có thời gian rảnh để dạo các nhà sách, đi tìm những cuốn sách đồng điệu, đồng cảm với mình. Còn người lớn thì hiếm khi mua, sách phần vì bận rộn công việc, phải dành tiền để làm những việc khác, không còn nhiều thời gian đọc sách hoặc có đọc thì thường đọc sách chuyên ngành, chứ không đọc những cuốn sách thiên về giải trí và cảm xúc nữa. Vì vậy tôi dành niềm tin rất nhiều vào văn hóa đọc của người trẻ”.
Ý kiến
Điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng, khơi dậy lại tình yêu đọc sách
Tuy doanh thu là quan trọng nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để xây dựng, khơi dậy lại tình yêu đọc sách, kích thích được văn hóa đọc phát triển. Qua các hội sách, chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều tác giả trẻ xuất hiện. Họ viết sách bằng cả tâm tư tình cảm của mình và có cơ hội được tiếp cận với độc giả trẻ hơn, có nhiều cơ hội giao lưu trên các sân khấu hơn. Tôi cho rằng xu hướng sắp tới là người viết sẽ ngày càng trẻ hơn và độc giả cũng ngày càng trẻ hơn.
Nhà thơ Lê Minh Quốc
Giới trẻ là độc giả trung thành
Giới trẻ TP.HCM là những độc giả trung thành và ngày càng tăng của các đường sách và hội sách. Chỉ cần căn cứ vào số lượng sách đã xuất bản và doanh thu của Fahasa và Phương Nam trong các năm trở lại đây đều thấy tăng khoảng 20%, trong đó phần lớn tiêu thụ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tại Đường sách TP.HCM, căn cứ vào các số liệu tiêu thụ trong năm 2017 so với 2016 cũng cho thấy số bản sách in tăng gần gấp đôi và số lượng độc giả trẻ chiếm phần lớn độc giả tới đường sách. Điều này cho thấy văn hóa đọc của người trẻ ngày càng phát triển.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM
Xu thế vẫn là sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên
Xu thế làm sách trên thế giới trong năm 2018 vẫn là sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Độc giả trẻ vẫn chiếm đại đa số khi chịu chi tiền mua sách. Trong tương lai các nhà xuất bản nổi tiếng nhất thế giới sẽ là Google, Apple, Amazon… Mô hình xuất bản trên thế giới sẽ chuyển mô hình “từ nhà xuất bản đến nhà sách” sang mô hình “từ tác giả đến thẳng độc giả”. Nhiều đầu sách sau khi được xuất bản điện tử, trở nên ăn khách mới được quyết định để in sách giấy, chứ không còn theo xu hướng hiện nay là từ sách giấy chuyển sang sách điện tử. Xuất bản VN cũng không nên nằm ngoài xu thế đó.
Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội Sách Frankfurt (Đức)
Đà Nẵng lần đầu tiên mở phiên chợ sách
Tối 22.3, tại khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp (vỉa hè bờ sông đường Bạch Đằng), Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã khai mạc phiên chợ sách với chủ đề Sách là bạn (kết thúc vào ngày 25.3). Đây là phiên chợ sách đầu tiên tổ chức bên sông Hàn, với khoảng 30 gian hàng tham gia giới thiệu, mua bán và trao đổi sách cũ.
Bạn trẻ mua sách tại phiên chợ sách đầu tiên tại Đà Nẵng ẢNH: H.S
Nằm trong hoạt động của phiên chợ, ban tổ chức còn mở các buổi giao lưu, trao đổi về văn hóa đọc cho học sinh, ký tặng sách, hát dân ca bài chòi… Sở VH-TT TP cho biết, sau phiên chợ này, hằng quý, TP.Đà Nẵng sẽ mở phiên chợ 1 lần, hướng đến mở đường sách đầu tiên ở Đà Nẵng trong năm 2019. (Hoàng Sơn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.