Khi TS khảo cổ học Nhật Bản tìm thấy khuôn đúc trống đồng Lũng Khê ở Bắc Ninh, người ta đã thấy một con đường mang trống Đông Sơn ra thế giới.
>> Mũi tên đồng Cổ Loa bước ra từ huyền thoại
>> Sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn
>> Đồ đồng cực đỉnh của văn hóa Đông Sơn
Trống đồng Đông Sơn có hình ảnh con thuyền và các võ sĩ - Ảnh: Bảo tàng lịch sử Việt Nam
|
Mảnh khuôn Lũng Khê
Khảo tả cho thấy, khuôn đúc trống đồng này làm bằng đất sét, có sử dụng con dấu để tạo hoa văn và trong đất sét có trộn lẫn trấu thóc. Những hạt trấu này có tác dụng làm cho khuôn đúc khỏi bị vỡ khi nung ở nhiệt độ cao. Nó cũng tạo các lỗ trên khuôn để hơi nước có thể thoát ra. Việc thoát khí này giúp dung dịch đồng chảy ra toàn bộ khuôn. Nhờ đó, trống sẽ không có lỗ hổng và khuôn cũng không bị vỡ.
“Về khuôn đúc trống đồng thì ngoài khuôn đúc nêu trên, người ta mới chỉ tìm thấy khuôn đúc của loại Pegen ở Indonesia có niên đại muộn hơn nhiều”, nhà nghiên cứu Imamura Keiji cho biết. Theo nhà nghiên cứu này, vào thời điểm được phát hiện, di chỉ thành đô ở Lũng Khê thường được đoán định là thành Luy Lâu, tức thủ phủ của quận Giao Chỉ từ thời Tây Hán sang Đông Hán. Tuy nhiên, TS Nishimura lại cho đó là thành Long Biên, tức thủ phủ xuất hiện trong các thư tịch thời Đông Hán. “Chắc chắn Lũng Khê là đô thị trọng yếu của quận Giao Chỉ thời Đông Hán và ở đó người ta đã đúc trống đồng. Nhìn về hình thức thì trống đó có niên đại thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên, tức là thời Đông Hán”, nhà nghiên cứu Imamura nói.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, catalog cuốn Trống đồng Đông Sơn cho thấy hiện nay người ta mới chỉ biết đến 2 chiếc trống đồng thuộc thời kỳ có chiếc khuôn này.
Những chiếc trống lớn đã chuyển khỏi VN
Cũng dựa trên mảnh khuôn này, ông Nishimura đã liên hệ với nhiều ghi chép. Nhờ đó, ông chứng minh được hoạt động sản xuất trống vẫn được tiếp tục tại Giao Chỉ khi Mã Viện đàn áp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Hậu Hán thư cho thấy, Mã Viện đã tịch thu trống đồng và đúc ngựa đồng sau khi trấn áp được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Lý do của việc tịch thu trống được phỏng đoán do quân của Hai Bà Trưng đã vừa giong trống, vừa đánh quân Hán. “Sau cuộc đàn áp của Mã Viện, lượng trống đồng giảm hẳn, số lượng người ở đồng bằng sử dụng chúng cũng ít đi. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đó vẫn được tiến hành ở đô thị trung tâm của quận Giao Chỉ và sản phẩm được bán cho người dân ở vùng núi. TS Nishimura đã chỉ ra điều đó”, Imamura cho biết.
Theo Imamura, những chiếc trống đồng thời kỳ trước của trống đúc ra từ hai mảnh khuôn trên cũng đã được phát hiện. “Đặc trưng lớn nhất của chúng là sự phân bố rộng rãi ở phía nam của Đông Nam Á, là những nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Đặc biệt ở Indonesia có nhiều trống đồng cỡ lớn còn lại tập trung ở những đảo nhỏ. Điều này không thấy ở VN”, Imamura nói.
Mặc dù không được tìm thấy, song hình thức của những trống đồng cỡ lớn vừa nêu lại cho thấy chúng được sản xuất ở VN. Các nhà khoa học cho rằng, những chiếc cỡ lớn hầu như không ở lại VN mà lại chuyển sang hết Indonesia. Họ cũng muốn tìm nguyên nhân của hiện tượng này.
Theo Imamura, lý do là bởi chính sách cai trị của nhà Hán. Những chiếc trống lớn này được xác định là từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên. Đây là thời kỳ nhà Hán đánh đổ Nam Việt và đặt ách thống trị trực tiếp đến cả quận Nhật Nam. Lúc đó nhà Hán đã coi trống đồng như một sản phẩm của thời kỳ dã man. Tại Quảng Đông, Trung Quốc, nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Hán, người ta không hề tìm thấy một chiếc trống đồng nào. “Phải chăng do chính sách thống trị trực tiếp của nhà Hán, trống đồng đã bị loại bỏ khỏi một khu vực rộng lớn và tự nhiên bị chuyển đến khu vực phía nam, nơi chúng đã được coi trọng”, Imamura phân tích.
Ai đã vận chuyển chúng ?
Kèm theo khẳng định về việc xuất trống về phía nam, người ta cũng đặt câu hỏi, trống đồng đặc biệt lớn ấy đã được di chuyển thế nào. Theo tính toán, có những trống đặc biệt lớn đã được vận chuyển bằng tàu thuyền qua những 3.000 km. “Vậy vấn đề đặt ra là ai đã vận chuyển chúng? Là người Indonesia mua chúng hay là người Việt bảo vệ chúng? Và cũng có thể những cư dân của văn hóa Sa Huỳnh, những người giỏi về kỹ thuật hàng hải đã đứng ra làm trung gian”, Imamura phỏng đoán.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, sau việc mở rộng phân bố sang phía nam của Đông Nam Á, cuộc suy thoái của trống đồng bắt đầu. Tuy nhiên, trống vẫn tiếp tục được sản xuất. Sau đó, một cuộc chấn hưng việc sản xuất trống đồng đã diễn ra vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên, khi ảnh hưởng của nhà Đông Hán suy yếu.
“Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở VN có thể từ nơi khác truyền bá xuống vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Mảnh khuôn Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.
|
Bình luận (0)