Đà Lạt, một thời hương xa: Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn

19/10/2016 06:08 GMT+7

Khoảng năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn nghe theo lời rủ rê của hai người bạn thân là Trịnh Cung và Đinh Cường về B’lao dạy học, không ngờ là một cái duyên, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nhạc sĩ họ Trịnh.

Trong giai đoạn đầu sống ở B’lao, ngao du Dran, Đà Lạt, phải rời xa người tình nơi đất thần kinh thơ mộng và con đường sự nghiệp âm nhạc đầy hứa hẹn (năm 1959, ca khúc Ướt mi được công bố chính thức và Thanh Thúy trình bày khá nổi tiếng) xem ra là cực kỳ khó khăn với Trịnh. Chàng trai 25 tuổi tự ví mình như “loài củi mục trên miền xứ bỏ hoang”. Trong những bức thư tình gửi cho người tình Ngô Vũ Dao Ánh (tập Thư tình gửi một người), chàng nhạc sĩ trẻ chất chứa đầy ắp những dòng bi đát, đôi khi sướt mướt kể lể về những ngày mây mù, mưa dầm ở B’lao.
Phải thường xuyên lên xuống Đà Lạt vào những dịp cuối tuần hay Tết Trung thu, Giáng sinh để tìm khuây, Trịnh Công Sơn thường dành hết thời gian để du ngoạn, đến phòng trà, la cà quán xá, sống hết mình trong thế giới rộn ràng để “cho bõ những ngày nằm dài bị hắt hủi ở B’lao-sương-mù”.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Đà Lạt mang đến cho anh một định mệnh khác. Trịnh Công Sơn gặp cô ca sĩ phòng trà có tên Nguyễn Thị Lệ Mai (nghệ danh Khánh Ly), để từ đó tân nhạc VN “không còn như cũ nữa”.
Trong bức thư gửi Dao Ánh đề “Đà Lạt, 19.9.1964”, tức 2 tuần sau khi đến thành phố cao nguyên, Trịnh Công Sơn viết: “J’entends siffler le train (tạm dịch Đợi tiếng còi tàu) quấn chặt cổ anh như một loài rắn, quấn chặt thân anh, quấn chặt ngực anh - anh co mình ngồi im, tiếng hát Khánh Ly thả xuống, trải dài, chạy quanh vùng bóng tối Night Club, trói gọn anh vào một j’ai failli courir-vers-toi, j’ai failli crier-vers-toi (tạm dịch suýt nữa anh đã chạy về phía em/suýt nữa anh đã khóc với em) và một tiếng hát khác nhỏ hơn - âm thầm lôi phăng anh đi về một vùng cao hơn, xa hơn có tiếng đàn guitar rất đục và vùng lá xanh non buổi chiều trong con mắt đốt bằng lửa mặt trời. Xin một chút trầm hương cho cuối mùa hạ. Anh đã một phút quên đi những người bên cạnh Kim Vui - Đặng Tiến - Trịnh Cung. Anh đưa Khánh Ly ra vùng đồi Đà Lạt mưa rơi nhỏ rồi Khánh Ly cũng mất dần trong khoảng tối trước mặt. Kim Vui lái DS 19 (xe Citroen) đưa chúng anh về. Trời Đà Lạt đã lạnh rồi đó Ánh. Trịnh Cung lên đón anh ở B’lao rồi cùng có mặt ở đây buổi chiều. Kim Vui lái Austin Décapotable (xe mui trần) đưa chúng anh đi suốt những vùng đồi ở đây, uống cà phê và ăn cơm trên một quán lạ lùng nằm vùi trong tận cùng thành phố”.
Thư đề ngày 28.9.1964: “Thành phố ồn ào dưới kia. Căn phòng của anh Cung đầy những tranh, đĩa hát, sách báo, giấy tờ, mùng màn, quần áo. Chúng anh sống như thế đó, buồn phải không Ánh. Anh còn nhiều chuyện sẽ kể cho Ánh nghe nếu Ánh thấy thích về những ngày chúng anh sống chuồi mình về phía trước vừa rực rỡ vừa hẩm hiu. Lắm chuyện để tạo dựng nên mình buồn thảm”.
Những bức thư tình gửi cho Dao Ánh trong thời điểm này, Trịnh Công Sơn bộc bạch rõ nhất, chân thật nhất cái nhìn của một thanh niên có tâm hồn đa cảm, những rung động nghệ sĩ thực sự với Đà Lạt, một ý thức kiếm tìm nơi vùng đất này vừa là chốn lánh xa thời cuộc, chiến tranh nhiễu loạn, vừa là một nơi để trốn thoát sự cô đơn và nỗi sợ lãng quên vây bủa.
Khoảng năm 1964, trên chuyến xe từ Đà Lạt trở về B’lao sau những ngày lang thang cùng bè bạn, chàng nhạc sĩ 25 tuổi viết Còn tuổi nào cho em, có những ca từ đầy ám ảnh về thời gian, tuổi trẻ: “Xin cho cô đơn vào tuổi này” hay “Còn tuổi trời hư vô”... Trên bản nhạc viết tay, thay vì ghi thuật ngữ tổng phổ thì tay nghệ sĩ si tình lại ghi: “dao ánh - sương mù”. Hay trong Tuổi đá buồn, một ca khúc khác cũng được viết ra trong thời điểm này, mang cảm thức tương tự: “Tuổi buồn như lá/gió mãi cuốn đi/quay tận cuối trời”...
Thời gian này, Trịnh Công Sơn còn viết cả truyện ngắn. Trong truyện, kẻ tình si có vẻ như dự cảm được cái kết không có hậu của cuộc tình mình đeo đuổi. Tháng 3.1965, trong một lần trở lại Đà Lạt để thu âm bản Xin mặt trời ngủ yên, do Khánh Ly hát, nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Bản này thu băng để xen vào vở kịch Quê hương chúng ta của Bửu Ý hôm nào sẽ trình diễn ở đài. Vở kịch là một độc thoại của một người con trai trên chuyến xe lửa băng qua những miền đất chiến tranh của quê hương này và kể về một tình yêu đã mất, người con gái chết trong bom lửa của thời cuộc”. Và không khí của trận mưa đá chiều 21.3 năm ấy khiến thành phố như bị phong kín trong màn tuyết trắng. Còn chàng trai si tình thì lại đang phân vân trước một chọn lựa mới của cuộc đời - anh vừa hay tin mình có tên trong khóa 20 của Trường Bộ binh Thủ Đức.
Hè năm 1966, những đêm nhạc Trịnh đầu tiên với các Ca khúc da vàng mang tình tự dân tộc được cất lên trong không gian những trường học. Bắt đầu là sân Trường tư thục Việt Anh, sau đó là Viện ĐH Đà Lạt. Trịnh Công Sơn bấy giờ đã là một hiện tượng của âm nhạc miền Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.