Độc đáo một rừng Cây di sản

26/05/2016 07:16 GMT+7

Cây pơ mu với đặc điểm chống được mối mọt, đường vân gỗ đẹp, có mùi thơm… từ bao đời trở thành tâm điểm săn lùng của cánh “lâm tặc”.

Quần thể 725 cây pơ mu thuộc khu vực rừng nguyên sinh sát biên giới Việt - Lào tại xã Axan và Tr’Hy (H.Tây Giang, Quảng Nam) vừa được công nhận là Cây di sản VN vào giữa tháng 5 vừa qua, ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, thú vị.
Từ huyện lỵ, chúng tôi vượt 40 km đường đèo để đến “cổng rừng”. Thế nhưng cơn mưa giông bất chợt đổ xuống khiến con đường đất như được tráng lớp mỡ trơn tuột, buộc chúng tôi phải lội bộ khoảng 1 giờ đồng hồ mới vào đến nơi. Chính điều này đã cho nhiều người cơ hội chứng kiến cánh rừng di sản độc nhất vô nhị phía nam dãy Trường Sơn.
“Vương quốc pơ mu”
Nhiều người địa phương cho biết, năm 2011, trong một lần mở đường vào rừng, một số người Cơ Tu bản địa đã tình cờ phát hiện khu vực rừng nguyên sinh xung quanh đỉnh núi Zi’liêng cao 1.400 m có nhiều cây pơ mu mọc san sát nhau. Tiếp tục “đạp rừng” thêm nhiều giờ, mọi người bất ngờ khi đứng trước hàng loạt thân cây pơ mu sừng sững. Thông tin này được chuyển đến ngành kiểm lâm và một cuộc khảo sát được tổ chức ngay sau đó. Qua kiểm đếm, số lượng cây pơ mu được xác định lên đến 1.400 cây, với trữ lượng gỗ ước chừng 7.000 m3. Trong đó, vùng lõi khu rừng chiếm khoảng 250 ha là nơi sinh sống của 725 cây pơ mu đủ điều kiện công nhận là Cây di sản VN. Cái tên “Vương quốc pơ mu” cũng được người dân truyền miệng từ đó.
Dọc con đường vừa được UBND H.Tây Giang đầu tư mở vào vùng lõi để phục vụ du lịch sinh thái, xen lẫn giữa những gốc cây cổ thụ, dây leo chằng chịt là những thân pơ mu thẳng tắp, tán lá rộng đến hàng trăm mét vuông. Cây pơ mu không khó để nhận biết nhờ lớp vỏ nứt nẻ theo chiều dọc thân. Và dường như chẳng bao giờ chịu khuất phục dưới tán của bất cứ loài cây nào, pơ mu luôn vươn mình lên với chiều cao khoảng 20 - 30 m. Trải qua hàng trăm cho đến cả ngàn năm tồn tại, hầu hết các gốc pơ mu đều bị rêu phong phủ đầy. Dù vậy, giữa ẩm ướt của rừng nguyên sinh và thảm mục đang phân hủy, những cây pơ mu khi nào cũng toát ra hương nhựa đặc hữu thơm lừng. Nhiều gốc sần sùi, bị rỗng tạo nên những hình thù kỳ lạ giống những con vật mà người Cơ Tu gọi là pơ mu sư tử, rồng, voi... Trong số này, cây lớn nhất có đường kính đến 5 - 7 người ôm (khoảng 3 m đường kính), khối lượng gỗ gần 50 m3.
Cây thiêng trên dãy Trường Sơn
Cây pơ mu với đặc điểm chống được mối mọt, đường vân gỗ đẹp, có mùi thơm… từ bao đời trở thành tâm điểm săn lùng của cánh “lâm tặc”. Tại Tây Giang, nhiều người kháo nhau chỉ cần 1 m3 pơ mu ra khỏi rừng, đầu nậu sẵn sàng trả đến 20 triệu đồng. Thế nhưng với người Cơ Tu, pơ mu là thứ cây thiêng không thể xâm hại và càng không thể trở thành món hàng bán mua. Và trải qua hàng trăm năm, người Cơ Tu tại Tây Giang vẫn kiên quyết gìn giữ khu rừng này.
Già làng Pơ Loong Đơm (trú tại xã Axan) cho hay, từ xa xưa, người làng muốn chặt hạ cây pơ mu để làm nhà gươl cho làng, làm quan tài phải được các già làng làm lễ cúng xin thần. Theo già Đơm, với quan niệm cây pơ mu cao lớn trong rừng là nơi cư ngụ của thần linh và linh hồn người đã khuất, người Cơ Tu ít ai “dám” đụng vào loại cây này. Sau này khi được chính quyền tuyên truyền không phá rừng, cộng đồng người Cơ Tu đã cùng chung tay bảo vệ. Ông Bhríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ “Vương quốc pơ mu” với khẩu hiệu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. “Cây di sản là niềm tự hào và trách nhiệm của người dân địa phương”, ông Liếc nói.
TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), cho hay trong thần thoại Hy Lạp có thần Promete là thần giữ lửa và đã mang lửa xuống cho nhân loại, thì với đồng bào Cơ Tu, cây pơ mu là thứ thiêng liêng dùng để giữ lửa. “Cây pơ mu sống trên đỉnh núi và gắn với nguồn nước, do vậy loại cây này có giá trị về linh hồn lẫn đức tin đối với người Cơ Tu”, ông Long nói: “Đối với đồng bào thì đây là mái nhà của họ, là tài nguyên, là nguồn nước, là dược liệu, là thức ăn... là tất cả mọi cái”. Theo TS Long, tại rừng Trường Sơn và Tây nguyên hiện còn một nhóm quần thể pơ mu ở đỉnh Chư Yang Sin (Đắk Lắk) ở độ cao từ 2.200 - 2.400 m, một nhóm nữa ở đỉnh Bi Đúp tại độ cao 2.200 m cùng một số cá thể ở Hòn Bà (Khánh Hòa) nhưng chỉ sinh trưởng rải rác.
Đánh giá cao về giá trị của rừng pơ mu, ông Long cho biết, về mặt đa dạng sinh học, loài cây này có thể coi là cây hóa thạch sống nên rất tốt cho việc nghiên cứu cổ khí hậu. Hiện Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN đang phối hợp và mời chuyên gia Trường ĐH Colorado (Mỹ) sang khu vực rừng di sản pơ mu để nghiên cứu, làm cơ sở thành lập Vườn quốc gia pơ mu đầu tiên của VN. “Khi rừng cây pơ mu trở thành Cây di sản và chính quyền mở đường để xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tôi cho đây là một sáng kiến rất hay để phát triển rừng pơ mu thành trung tâm học tập về rừng nhiệt đới cũng như những giá trị thiên nhiên”, ông Long nói và cho rằng cần nhân rộng mô hình này sang những cánh rừng ở Tây nguyên để cộng đồng người Cơ Ho, Ê Đê… bảo vệ được cả những khu vực rừng đầu nguồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.