Mọi việc đều được sắp đặt quy củ, từ việc họ tiếp nhau đến thái độ trước mặt vua. Không có ai được vào bái vua mà không mặc thứ lễ phục riêng gọi là áo chầu, mà đầu không đội mão, để tỏ lòng tôn kính.
Một gia đình Bắc kỳ xưa chụp ảnh ngày tết - Ảnh: T.L |
Nghi lễ và trang phục khi vào chầu vua
Những người không có phẩm tước, đội một chiếc mão đen cao chừng nửa thước bẻ rơi ra đằng sau. Văn quan đội theo một lối khác và bằng một chất khác, một thứ mão làm bằng lông đuôi ngựa, cao nửa thước, hình lục lăng, có thêu và trên đỉnh dẹp, khác với các mũ nói trên nhọn. Chỉ có những tội nhân mới để đầu trần ra trước mặt vua. Nhưng chân thì lại khác vì nếu đi giầy vào chầu tức là mắc một trọng tội.
Khi vào yết kiến long nhan, không được đi giầy mang vớ, chỉ có vua và một vài bà hậu, bà phi được phép riêng của vua mới đi hài; các hoàng tử cũng phải theo luật ấy, trừ có hoàng thái tử là người sau này sẽ lên kế vị được đi giầy trong cung hay khi ngài vi hành đi thăm đồng ruộng nhưng khi vào chầu phụ hoàng ngài cũng phải bỏ giầy ra và đã có một tên quân hầu múc nước để ngài rửa chân cho sạch thêm. Người ta còn nghiêm cấm tất cả mọi người dù giời nóng bức đến thế nào, trước mặt vua cũng không được dùng quạt; quạt giấu trong tay áo, tay nọ luồn kín vào ống tay áo kia và chắp lên ngang ngực.
Triều phục và lối vào chầu vua ấy trông thật lạ lùng. Nhưng ta thấy dấu hiệu sự tùng phục và lòng tôn kính lúc họ mới đi mấy bước đầu rồi phủ phục khi họ vào đại điện là chỗ vua ban chầu: Trước nhất phải quỳ lễ bốn lễ, đầu gối trái xuống trước, gối phải xuống sau, đầu dập xuống đất. Bắt đầu từ cửa điện hay từ chỗ ta đứng: tính cho đúng để đến khi làm lễ thứ tư thì ta đến đúng dưới chân vua. Xong rồi ta đứng dậy và hai bàn tay chắp lại, ngón nọ vào ngón kia, giấu kín trong ống tay áo, ta giơ tay lên ngang đầu rồi cúi nhẹ mình, ta chúc vua vạn tuế.
Các quan đại thần tan chầu vội vàng rời cung điện và chạy rất mau về nhà. Không làm như thế là trái phép. Các người cưỡi ngựa, cưỡi voi, qua trước hoàng cung cũng phải xuống đi đất.
Lễ nghi hằng ngày
Đàn bà không phải theo những nghi tắc trên, nhưng khi gặp kẻ hàng trên phải chào, thì họ dừng lại và ngồi sụp xuống đất; xong rồi họ chắp hai tay lại và cúi mình lễ, chân chạm đất năm lần; có khi nói chuyện với nhau họ cũng ngồi như thế trên chiếu, vì ở Bắc kỳ không có ghế chỉ dùng chiếu giải trên đất.
Tại các nhà quan, có một chiếc sập cao chừng một thước trên giải chiếu, không có thảm, dùng để ngồi nói chuyện. Tiếp người ngang hàng thì họ mời cùng ngồi trên chiếc sập; tiếp thuộc hạ, họ cho ngồi xuống chiếu cặp đỏ thấp hơn bậc; còn như kẻ thường thường thì cho ngồi chiếu đơn; bọn cùng đinh thì phải ngồi sệp xuống chỗ đất không giải chiếu.
Khi đi chơi họ không bàn công chuyện làm ăn; chỉ khi ngồi hay lúc đứng hai tay không nhúc nhích họ mới bàn đến công việc thôi; các cố đạo cũng bắt chước cho nên lúc giảng kinh, mình không cử động, tay không đưa đẩy nhưng chắp vào tay áo đưa lên ngang ngực, chỉ có miệng lưỡi là mấp máy thôi. Họ ngạc nhiên khi thấy người Âu châu đi lại luôn và hỏi tôi duyên cớ ấy. Tôi giả nhời họ rằng chúng ta bắt chước mặt trời vận chuyển luôn luôn và nước biển luôn luôn chuyển động để được trong vì nếu đứng yên thì nước biển thối hỏng mất.
Các quan nhỏ đối với các quan to cũng phải cung kính như dân, duy chỉ phải quỳ lễ thôi và lễ xong lễ thứ ba thì họ chắp tay lên trên đầu; đứng trước mặt các quan trên, họ cũng không được phe phẩy quạt.
Để tỏ lòng tôn kính khi gặp vua hay các quan cao cấp, họ để tóc xõa trên hoặc lúc ấy tóc còn đang buộc bằng dây thường hay đang bện thì họ rũ vội ra, nếu không làm như thế thì vị quan kia sai cắt liền; điều ấy là một sự nhục lớn vì người Đàng Ngoài cho mớ tóc là tiêu biểu quý nhất của sự tự do của họ. Gặp kẻ ngang hàng, họ chào: Tôi vui mừng với ông; gặp người trên, họ đưa tay trái cho người kia hình như muốn tỏ ra rằng họ cũng săn sóc đến công việc của người này, còn tay phải họ để không để giúp dập và chống đỡ người trên đối lại với kẻ thù. Còn trong xóm nếu có ông quan to nào trùng tên với một người thì người này muốn tỏ lòng tôn trọng, theo luật nước đổi tên đi; nếu ông quan tên là Ba, thì họ kiêng không nói Ba nhưng nói Tam.
Nói tóm lại, đó là những lễ nghi, những dấu hiệu tôn kính của người Đàng Ngoài dùng lẫn với nhau và để họ tỏ cho những người họ tôn lên trên họ biết. Các vị cố lão được trọng đãi hết sức nên khi một người niên thiếu gặp bực cố lão thường nói: “Thưa cố, cháu xin giúp đỡ cố”.
Bình luận (0)