Nói đến lễ hội thì phải nói đến văn hóa; nói đến văn hóa thì phải nói đến sự sạch sẽ, tươi đẹp. Sự sạch sẽ tươi đẹp là yếu tính đầu tiên, là yếu tố ngoại quan góp phần làm nên một lễ hội văn hóa thành công.
Bao giờ cũng vậy, không gian diễn ra lễ hội phải rất thoáng, rất an toàn để mọi người đủ không khí trong lành mà thở. Việc khu trú lễ hội vào những không gian chật hẹp khiến người ta phải chen chúc nhau, thiếu không khí thở dễ gây ra những điều đáng tiếc cho em bé, phụ nữ và người già có bệnh tim mạch.
Để tránh tâm lý đám đông thường có những hành động vô thức tập thể, đơn vị tổ chức lễ hội phải đảm bảo điều kiện an toàn. Ở phía bắc, bà con tham gia lễ hội có khuynh hướng đốt thật nhiều vàng mã. Vàng mã cháy không kịp thường gây ra khói đen khó thở, thường dễ bay tro và gây cháy. Vậy thì phải tích cực phòng ngừa, cảnh giác với việc củi lửa; bảo đảm điện đóm, nơi siêu hóa vàng mã đều ở trong tầm kiểm soát của người được phân công trách nhiệm.
Điều đáng ngại là các nơi tổ chức lễ hội có làm nhà vệ sinh nhưng nhà vệ sinh hoặc quá ít không đáp ứng được nhu cầu, hoặc đáp ứng được nhu cầu nhưng không đạt chuẩn khiến chất thải bị xả thẳng ra môi trường làm không khí ô nhiễm. Tình hình “che được mắt mà không bịt được mũi” đó vẫn diễn ra đều khắp trong các lễ hội có đông người tham gia. Ở cả hai tình trạng trên, sự mất vệ sinh làm giảm sút tính trang nghiêm của lễ hội. Chuyện người ta xếp hàng dài rồng rắn để đợi tới phiên mình, chuyện giục giã cãi vã nhau nhanh chậm cơ bản là màn tấu hài thô thiển dễ thấy nhất ở các nơi thiếu nhà vệ sinh.
Tổ chức lễ hội là phải quan tâm đến nước dùng. Nước dùng phải sạch để người tham gia có thể rửa mặt rửa tay tẩy trần. Nước dùng phải đủ để đề phòng những điều bất trắc. Sau nước dùng là nước thải. Nước thải phải được chứa lại, xử lý để tránh ô nhiễm.
Nói tới lễ hội là nói tới… thùng rác và nơi chứa rác. Dù đã được nhắc nhở, nhiều bà con ta cũng quên chuyện bỏ rác vào thùng, cứ vất đại ra đâu đó, kể cả vất dưới chân tượng thánh, bàn thờ. Tất nhiên, lễ hội nào cũng có những người làm công tác vệ sinh dọn rác nhưng việc tự giác bỏ rác vào thùng vẫn rất quan trọng. Một lễ hội mà nhếch nhác những rác thải thì tính văn hóa không còn nữa.
Sau cùng, xin bàn một chút khái niệm sạch mang tính trừu tượng hơn. Lễ hội là nơi trang nghiêm nên mọi người tham gia lễ hội cần ăn mặc đẹp, kín đáo và tránh sự phản cảm. Những cảnh cười nói ồn ào, nhậu nhẹt tưng bừng, buôn bán thịt thú rừng… không nên diễn ra trong và chung quanh khu vực lễ hội. Cũng vậy, việc âu yếm nhau tại lễ hội hay lùm bụi chung quanh đó cũng là điều không nên, không phải. Tất cả vì những lễ hội sạch và đẹp!
Bình luận (0)