Văn hóa và du lịch Điện Biên Phủ

21/01/2005 09:13 GMT+7

Du lịch và văn hóa là 2 mặt của một cuộc hành trình không thể thiếu được đối với mỗi khách du lịch. Nền văn hóa càng phong phú càng có điều kiện thu hút du khách đến tham quan du lịch. Có thể nói, một công trình văn hóa, một món ăn tinh ngon, một lời nói ngọt ngào và lời chào hỏi... đều thể hiện nếp sống văn hóa của mỗi một dân tộc, mà đời sống văn hóa bao giờ cũng có xu hướng kế thừa gạn đục khơi trong.

Du lịch phát triển trước hết là thỏa mãn nhu cầu của mỗi con người nảy sinh trong đời sống KT-XH, thỏa mãn đời sống văn hóa của con người. Như vậy, du lịch là nhu cầu văn hóa của con người và nhu cầu đó không thể vượt ra ngoài đời sống văn hóa của dân tộc.

Du khách đến Điện Biên tham quan, du lịch là muốn hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của các dân tộc, cảm nhận sự anh dũng kiên cường của cha ông thông qua các công trình văn hóa, khu di tích lịch sử Điện Biên, Tượng đài Chiến thắng, danh lam thắng cảnh và sự hưởng thụ văn hóa ẩm thực của các dân tộc, sản phẩm dân tộc, các điệu múa và làn điệu dân ca, sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc ở Điện Biên.

Năm du lịch Điện Biên Phủ là năm mở đầu của ngành Du lịch bắt đầu được coi trọng ở Điện Biên, nhưng giữa du lịch và văn hóa quả thật đang còn khoảng cách khá xa. Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ được Nhà nước xếp hạng đặc biệt quan trọng nhưng trong những năm qua bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều du khách đến đều nhận xét chung ta đang lãng quên quá khứ. Điều quan trọng là chúng ta tạo cho người dân có ý thức bảo vệ giữ gìn những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã xây dựng. Không phải chỉ tôn tạo, giữ gìn mà còn phải phối hợp đồng bộ giữa các ngành như: giao thông, an ninh. Một công trình văn hóa được xếp hạng đặc biệt như khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ nhưng giao thông quá khó khăn, an ninh không đảm bảo thì khó có thể thu hút được. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại khu du lịch Điện Biên Phủ như nhìn lại trách nhiệm của chính mình. Du lịch là ngành giới thiệu các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của Điện Biên đã được hun đúc suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để làm được điều đó văn hóa phải làm ngành khởi xướng giữ gìn tô thêm vẻ đẹp để di tích tồn tại mãi với thời gian, làm cho du khách đến Điện Biên ngoài hưởng thụ còn được biết đến cội nguồn, lẽ sống của dân tộc với những công trình văn hóa, di tích lịch sử còn in đậm dấu ấn của một thời đã qua, được tạo dựng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ ý nghĩa đó, trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể để bảo tồn tôn tạo và phục dựng lại các tuyến tham quan, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, kè và hàng rào bảo vệ để phát huy giá trị khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Ở giai đoạn 1 đã tu bổ phục hồi các hạng mục di tích: hầm chỉ huy và hầm đại liên (trên đỉnh đồi A1), lô cốt Cây đa cụt và 10 lô cốt khác của địch, 2 hầm chỉ huy của ta, hố bộc phá, 101m đường hào lộ thiên, 92m đường hào có nắp, 52m đường hào chiến đấu của quân đội ta, 1.155m2 hàng rào dây thép gai và 400m đường hào phản kích của địch, hệ thống bia, bảng trên đồi A1.

Dự án Tượng đài Chiến thắng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình ở giai đoạn I kịp phục vụ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiện nay đang tiến hành hoàn tất các công việc còn lại để kịp đưa vào phục vụ du khách. Ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành chỉnh lý, nâng cấp nhà trưng bày, sửa chữa lại sa bàn, sắp xếp bảo dưỡng hiện vật trưng bày ngoài trời, mở rộng khuôn viên, xây dựng mới nhà thường trực đón tiếp khách và sân đỗ xe. Tại khu Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng cũng đã tiến hành phục dựng lại căn hầm xuyên núi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái, hầm ban chính trị, hầm cố vấn Trung Quốc, hầm của trưởng ban thông tin Hoàng Đạo Thúy và hầm thông tin liên lạc; đồng thời tu bổ phục dựng lại các lán ở và làm việc của Đại tướng, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đồng chí Lê Liêm và trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc; nhà hội trường, nhà tác chiến và các hệ thống bia biển giới thiệu. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng một số hạng mục phục vụ quản lý hướng dẫn khách tham quan và công viên chiến thắng tại bãi duyệt binh mừng chiến thắng, nâng cấp mở rộng đường vào di tích, rải thảm nhựa và trồng cây hai bên đường.

Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ được tôn tạo giữ gìn sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Kết quả của việc tu bổ di tích đã trở thành các sản phẩm du lịch - văn hóa bền vững được gắn kết vào những tuyến du lịch hấp dẫn, có giá trị nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngành công nghiệp “không khói”, từng bước làm cho đời sống của người dân ở Điện Biên sẽ trở thành hoạt động vật chất tầm thường đơn điệu. Ngược lại một công trình văn hóa, khu di tích lịch sử mà không có sự chiêm ngưỡng, đánh giá của du khách thì đó là nền văn hóa chết. Do vậy du lịch bao giờ cũng là ngạch mới của một cuộc hành trình mà văn hóa phải là cái tích cực xuyên suốt của một cuộc hành trình.

Năm 2004 Điện Biên tổ chức năm du lịch đúng vào dịp diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lượng khách nội địa và khách quốc tế đến tham quan du lịch tại Điện Biên là 2.417 đoàn với trên 244.452 lượt người tăng gấp 8 lần so với năm 2003, được xem là một năm đầy khởi sắc. Hy vọng rằng trong thời gian tới và sau này càng có nhiều du khách tới Điện Biên như lời của một du khách đã nói: “Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ trở thành một trung tâm du lịch lịch sử văn hóa nổi tiếng vào loại nhất nước ta và trong khu vực Đông Nam Á...”

(Theo Báo Ðiện Biên Phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.