TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho biết các vấn đề quốc tế đã được đề cập tại Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Văn kiện đặt nền móng về lý luận cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam cũng đề ra các nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam để chống lại nguy cơ của chính sách văn hóa Pháp, Nhật, giữa những tranh đấu về học thuyết tư tưởng của triết học Âu, Á…, những thách thức về văn hóa xã hội trong bối cảnh quốc tế và khu vực. "Trong giai đoạn 1945 - 1975, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động triển khai các hoạt động văn hóa, tuyên truyền đối ngoại, nhằm nêu cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc từng bước phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước", TS Nguyễn Phương Hòa cho biết.
Theo TS Hòa, qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, chủ trương hội nhập và chủ trương phát triển văn hóa cũng có những biến chuyển. Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), từ "hội nhập" xuất hiện lần đầu trong Nghị quyết của trung ương. Cũng năm đó, trên lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết xác định "mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa". Tới Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), bên cạnh chủ trương "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế" chúng ta có chủ trương "mở rộng giao lưu văn hóa, thể thao quốc tế". Đại hội lần thứ X (2006) lại ghi dấu với chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác" và trong văn hóa là "tích cực mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa". Đại hội lần thứ XI (2011), Đảng xác định "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" và "chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa" trong Nghị quyết 33.
TS Nguyễn Phương Hòa cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc, tạo thế và lực cho sự ra đời và việc triển khai mạnh mẽ chủ trương "chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa". Nghị quyết 33 của T.Ư Đảng sau đó đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm "chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc".
TS Nguyễn Phương Hòa cho rằng, có thể nhận thấy, từ chủ trương chính sách cho đến thực tiễn, văn hóa là một trong những lĩnh vực mang tính "tiên phong", diễn ra sự giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế từ sớm. Cũng do đó, văn hóa góp phần mở đường, khai thông, bình thường hóa quan hệ với một số nước trên thế giới, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong tiến trình hội nhập văn hóa mang tính tương tác hai chiều, ta đã chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của Việt Nam.
Theo Bộ VH-TT-DL, kể từ năm 2015 khi Chiến lược văn hóa đối ngoại được ban hành, Bộ đã tổ chức hơn 20 chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, củng cố tình hữu nghị với bạn bè truyền thống. Trong số này, có thể kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017, Chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại Triều Tiên - món quà tinh thần đặc biệt của Ban Chấp hành T.Ư ĐCSVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến các nhà lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên (sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019).
Mới nhất, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo, Ý, Vatican vừa qua, chúng ta mang nhạc thính phòng, cổ điển của mình đi, tự tin hội nhập. Chương trình trình tấu đàn bầu, đàn T'rưng cùng dàn nhạc thính phòng, thể hiện tính dân tộc và sự sáng tạo bằng chính ngôn ngữ âm nhạc của thế giới đã thuyết phục được khán giả. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng nhận được những lời mời lưu diễn tại Áo, Ý ngay sau buổi diễn.
Bộ VH-TT-DL đánh giá các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam cũng diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước. Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức và tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng có những sự kiện văn hóa uy tín ở khu vực và quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Các địa phương cũng ghi dấu với các sự kiện văn hóa quốc tế như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội hoa phượng đỏ Hải Phòng, Carnival biển Hạ Long. Đặc biệt, trên lĩnh vực âm nhạc, chúng ta bắt đầu nổi lên như một điểm đến âm nhạc, thu hút nhiều ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng thế giới. Tại Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Hozo, người yêu nhạc từ các nước lân cận đã tới Việt Nam để hòa vào các không gian âm nhạc này.
Điện ảnh Việt cũng đến các liên hoan phim quốc tế lớn thường xuyên hơn. Một thế hệ làm phim mới dự liên hoan phim như thế cũng liên tiếp có tác phẩm được giải. Thế hệ làm phim này còn trẻ, hầu hết đều là các nhà làm phim độc lập. Chúng ta có Ròm với giải cao nhất trong hạng mục Trào lưu mới tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), Những đứa trẻ trong sương vào đến vòng cuối Oscar hạng mục Phim tài liệu, Tro tàn rực rỡ nhận giải đặc biệt của Ban giám khảo trong hạng mục Encounter tại Liên hoan phim Berlin (Đức).
Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những nỗ lực mang văn hóa ra thế giới cũng ấn tượng. Tiếng vọng Jazz, một trong những giải thưởng âm nhạc danh giá của Đức, đã gọi tên nhạc sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang. Theo đó, nhạc sĩ Nguyên Lê được đề cử ở hạng mục Nghệ sĩ guitar quốc tế và Ngô Hồng Quang được đề cử ở hạng mục Nhạc công của năm. Họ lọt vào danh sách giải thưởng này nhờ album Ha Noi Duo (Song tấu Hà Nội). Cả hai đều là những nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn với hiểu biết âm nhạc dân tộc Việt Nam, tinh thần văn hóa Việt Nam dày dặn.
Bình luận (0)