Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: 'Mút mùa Lệ Thủy' hay 'mút mùa lệ thủy'?

08/12/2021 06:20 GMT+7

Chi tiết này hay, về địa danh Xoài Mút (Mỹ Tho ): “Cái tên xuất phát từ loại cây xoài nhỏ mọc đầy ven bờ: miền Bắc gọi là cây muỗm, còn dân trong vùng đất đặt theo cách ăn của nó là phải mút, nên gọi “xoài mút” (Báo Tuổi Trẻ ngày 4.10.2018). Không chỉ có tên gọi này, người miền Nam còn gọi… xoài cà lăm. Thiệt hay đùa?

Bằng chứng đây nè:

Ba cô đi cúng chùa ngoài

Cúng cam, cúng quýt cùng xoài cà lăm

Loại xoài này còn có tên gọi xoài mủ, đơn giản chỉ vì “loại xoài nhỏ trái, nhiều mủ, có mùi hôi, ăn sống hơi ngứa lưỡi” (Bùi Thanh Kiên - Phương ngữ Nam bộ - NXB Hội Nhà văn, tr.1576). Do đó, ngoài Bắc còn gọi xoài hôi. Xét ra, tên gọi xoài mút vẫn quen thuộc hơn cả.

Với động tác mút, ta hiểu là ngậm vào miệng, chúm môi lại hút, thường phát ra âm thanh như mút chùn chụt, chẳng hạn. Thành ngữ có câu “Xé mắm mút tay”. Từ chuyện mút tay ấy, phương ngữ Nam bộ có câu thề độc địa là “Mút tay bà mụ”, tức nếu sai lời thì phải chịu hình phạt đó. Mà tay bà mụ khi đỡ đẻ thì thế nào? Từ đó, ta có thể suy ra.

Ở miền Trung, bà nội trợ thường làm mắm bằng cá cơm, cực kỳ ngon, đôi khi do “hở gió” nên trong mắm lại sinh ra giòi. Chẳng hề gì, chỉ cần vớt bỏ ra ngoài là xong. Nếu chẳng may ăn phải cũng chẳng “chết thằng Tây đen” nào, các quý bà, quý cô đảm đương việc bếp núc thường trấn an: “Giòi mẹ thì ngon, giòi con thì béo”. Nếu cần, cứ việc mút vị mắm rồi nhả giòi ra cũng đặng. Nói đùa hay nói giỡn chơi? Nói thiệt đó, để nói lên sự nghèo khó nhưng tằn tiện, ở Quảng Nam có câu: “Ăn mắm mút giòi” là vậy.

Nghệ sĩ Lệ Thủy liệu có liên quan gì đến câu “Mút mùa lệ thủy”?

tư liệu

Còn chấm mút thì sao?

Tùy ngữ cảnh, ta có thể hiểu nhằm chỉ người tỏ ra ăn ít, chẳng hạn: “Anh ta ngồi vào mâm nhưng chỉ chấm mút lấy lệ”, tức không tha thiết, đoái hoài gì đến món ăn, có thể do kiểu cách giữ kẽ nhưng cũng có thể do không đói, không muốn ăn (…).

Thế nhưng khi hiểu chấm mút theo nghĩa của tiếng lóng thì lại khác.

Khi mới nhận nhiệm sở, có người hỏi: “Ngồi chỗ đó, có chấm mút được gì không?”, người kia vênh váo: “Sếp ăn cơm thì mình cũng được húp cháo” tức cũng có phần chấm mút. Vì chấm mút là “nghệ thuật” xà xẻo, bớt xén (thường là của công); hoặc ăn hối lộ chút ít thì cũng phải “đúng quy trình” (?!), chứ không khéo lộ ra có ngày mất ghế như chơi. Có người vì lộ, bị lột áo đuổi về vườn đã than thân trách phận, nhà thơ Tú Mỡ mỉa mai:

Buồn mà chi, bực mà chi

Miếng ngon chấm mút no nê quá rồi

Để phần kẻ khác ông ơi

Khỏi mang cái tiếng con người nan du

Mà mút còn chỉ vị trí chót hết, tận cùng của một vật có độ dài. Dân gian có câu đối ngộ nghĩnh:

Con cá đối nằm trên cối đá

Con mèo cụt nằm mút đuôi kèo

Xa quá tầm mắt, không trông thấy rõ ràng cũng là mút, tỷ như xa mút mắt. Khi nói đến sự việc gì có tính cách tối đa, tột cùng thì người ta lại dùng từ mút chỉ như chơi mút chỉ. Có lẽ từ “mút chỉ” ra đời từ động tác đưa vào miệng sợi chỉ đang loe ngoe nhiều sợi tơ mỏng mảnh, so le ngắn dài, rồi mút cho chúng tụ về một mối khiến đầu sợi chỉ nhọn ra để dễ xỏ qua lỗ cây kim. Người miền Nam có câu thành ngữ “Mút chỉ cà tha”.

Thế thì, cà tha là gì? Tầm nguyên tự điển Việt Nam (NXB TP.HCM, 1993) của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ giải thích: “Dây cà tha. Xâu chuỗi hột to, dài, mang ở cổ có tác dụng là bùa trừ ém tà ma quỷ quái. Thầy pháp đeo dây cà tha” (tr.497). Đi mút chỉ cà tha là đi xa lắm, đi biệt tăm hơi đến chân trời góc biển nào, chẳng rõ lúc nào mới quay trở lại.

Không những “Mút chỉ cà tha”, ở Nam bộ còn có câu “Mút mùa Lệ Thủy”. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín, cách nói này phản ánh tâm lý mê cải lương của bà con miền Nam, bằng chứng là ngoài câu trên còn có các câu khác như: Thanh minh thanh nga, Rành sáu câu/Rành sáu câu vọng cổ, Tân cổ giao duyên, Bài bản tổ… Và “Mút mùa Lệ Thủy là hết mọi khả năng, tới tận cùng, không bỏ dở nửa chừng, không dừng lại khi chưa hết khả năng”, ông Tín giải thích. Phương ngữ Nam bộ của Bùi Thanh Kiên đưa ra 2 nghĩa như trên và bổ sung: đến cuối mùa, hết mùa; hết mùa, hết thời gian quy định.

Tuy nhiên, vẫn chưa ai có thể giải thích rõ ràng, vì lý do gì tên của một nghệ sĩ nổi tiếng được vận dụng để trở thành câu nói quen thuộc, phổ biến rộng rãi? Nếu thế, nó xuất hiện vào thời điểm nào? Hoặc giả, đó chỉ là danh từ chung? Xin nêu ra để nhờ các bậc cao kiến giải đáp thêm.

Đừng quên mút còn là từ đồng âm với mousse (nệm/nệm mút), mousqueston (súng mút-cơ-tông), mousseline (vải mút-xơ-lin mềm, mịn) là những từ tiếng Pháp mới du nhập sau này, chẳng có dây mơ rễ má gì với từ mút vừa bàn tới.

Trở lại với xoài, ta biết có nhiều loại xoài như xoài cóc, xoài gòn, xoài tượng, xoài thanh ca, xoài voi, xoài hương/xoài thơm, xoài múc muỗng, xoài quéo, xoài cơm, xoài cát, xoài hòn, xoài ngựa, xoài xiêm… Điều này, chứng tỏ cây xoài rất quen thuộc với người Việt, do đó nó đi vào thành ngữ cũng là lẽ tất nhiên. Nói chung xoài cực kỳ… nổi tiếng, bằng chứng là ở Thế Miếu ngoài Huế có chín cái đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) được đúc dưới thời vua Minh Mạng. Có tất cả 153 hình được chạm trổ trên cửu đỉnh với 9 chủ đề khác nhau - mà vật được chọn cho từng chủ đề cũng lấy số 9. Thử hỏi 9 loại cây lấy quả nào được quý nhất vào thời đó? Xin thưa, mít, lê, mơ, đào, sa nhân, nhãn, vải, bông gòn và… xoài.

Nay, ít ai nhớ ngày trước ở Nam bộ có câu: “Nói chuyện trồng xoài” - ngụ ý “nói chuyện lâu xa khó trông đợi” vì xoài lâu lớn cũng lâu ra trái, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích (1895).

(còn tiếp)

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.