Lòng yêu nước được bay bổng hóa qua hình thức nghệ thuật
|
Với tôi, được đồng hành cùng chương trình Khát vọng trẻ (KVT) là một vinh dự. Bởi KVT, từ vai trò rất thực tế là truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, dấn thân vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đến với thanh niên Việt Nam, đã được bay bổng hóa, lãng mạn hóa thông qua hình thức nghệ thuật - biểu diễn ca/ múa/nhạc/họa...
Gần 20 năm làm nghề, đạo diễn nhiều chương trình với những quy mô, tính chất khác nhau và gắn bó với 5 kỳ KVT, nhưng chương trình này vẫn luôn mang đến cho tôi những xúc cảm mởi mẻ. Đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, để lại nhiều kỷ niệm nhất có lẽ là KVT 10 ở quảng trường Hồ Chí Minh, TP.Vinh, Nghệ An. Còn nhớ, ê kíp đã dùng 2 tay cẩu thượng lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng bay cao; hay chúng tôi đã đưa con tàu như thật chạy qua sân khấu trong tiết mục Tàu anh qua núi gây ngạc nhiên và tạo hiệu quả rất lớn về cảm xúc. Có thể nói, KVT luôn tạo điều kiện để người nghệ sĩ, đạo diễn được sáng tạo. Ban tổ chức luôn truyền cảm hứng cho người thực hiện và người tham dự, thưởng thức và cuối cùng là lan tỏa đến cộng đồng những thông điệp, ý nghĩa cụ thể (học bổng Nguyễn Thái Bình).
Trần Vi Mỹ, đạo diễn KVT 1, 2, 3, 8, 10
|
Thay đổi cách nghĩ và cảm về nhạc truyền thống cách mạng
|
Theo tôi, KVT là một chương trình dành cho thanh niên, giới trẻ có tiếng vang và luôn được chờ đón. Chương trình đã dung hòa được tính định hướng về mặt nội dung, tính thời sự của sự kiện mà chương trình phục vụ và đặc biệt tính nghệ thuật ở chuẩn cao, đồng thời lại hấp dẫn, thu hút giới trẻ và cả việc thay đổi cách “nghĩ” và “cảm” (trước đây họ mặc định là khô khan, khó cảm) về dòng nhạc truyền thống cách mạng, ca khúc chính trị... Có lẽ vì thế mà ở những nơi KVT đã đến, chương trình luôn được đón nhận và đánh giá cao, để lại ấn tượng trong lòng khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Chương trình KVT phải đáp ứng được nhiều yêu cầu, trước tiên là thể hiện được ý nghĩa, nội dung của sự kiện; giới thiệu được nét văn hóa, đặc trưng của sự kiện, của địa phương; nêu cao tinh thần khát vọng của giới trẻ... Để chương trình truyền tải được nhiều yêu cầu như thế, đặc biệt là thu hút giới trẻ, cần phải xây dựng một kết cấu thật chặt chẽ, biết làm mới.
Tuy nhiên chính trong cái khó ấy, nhiều thử nghiệm đã được tiến hành, đặc biệt luôn được ban tổ chức ủng hộ - chấp nhận đầu tư một chương trình nghệ thuật quy mô lớn. Ví dụ như KVT 9 tại Quy Nhơn đã kết hợp nhiều lực lượng của nhiều loại hình như: võ thuật, trống trận Tây Sơn, thể dục đồng diễn... lên đến 1.000 người cùng tham gia trong tiết mục; hay KVT 6 tại Ukraine với sự chuẩn bị hết sức công phu, khối lượng trang thiết bị mang từ Việt Nam cùng lực lượng hùng hậu từ Việt Nam (khoảng 100 người) và tại chỗ (khoảng 100 diễn viên Ukraine và kiều bào Việt Nam tại đây) tham gia. Tất cả những ý tưởng mới, những công nghệ mới (tại mỗi thời điểm diễn ra), nhân tố biểu diễn mới, những phối hợp mới... mà tôi và ê kíp đề xuất hầu như đều được ban tổ chức chấp thuận và hỗ trợ hết mình.
Cùng với vai trò của một cơ quan báo chí - Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Thanh Niên còn thể hiện tốt các nhiệm vụ khác qua các chương trình có ý nghĩa, tạo thành thương hiệu riêng và duy trì đều đặn, lâu dài như: Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình, chương trình nghệ thuật chính trị KVT. Là một người tham gia thực hiện và tham dự nhiều chương trình KVT dù ở vai trò nào, trong tôi cảm xúc luôn dâng trào. Tôi thật sự hạnh phúc và tự hào được góp phần vào việc xây dựng nên thương hiệu KVT, vào việc lan tỏa những thông điệp ý nghĩa và cao đẹp mà mỗi chương trình KVT muốn gửi gắm.
Hướng đến kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Thanh Niên và 10 năm chương trình KVT, xin chúc Báo Thanh Niên luôn phát triển không ngừng; duy trì và phát huy được thế mạnh, có những sáng tạo mới trong nội dung và nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực khác... Với KVT, tôi tin rằng thương hiệu KVT luôn tỏa sáng và lan tỏa đến nhiều nơi.
Thái Huân, đạo diễn KVT 5, 6, 7, 9
|
Cầu nối giữa các thế hệ
Báo Thanh Niên như người bạn - gắn liền với sự trưởng thành của tôi, từ những ngày còn là sinh viên đến nay, mang đến cho tôi những ước mơ, trong đó có cả hy vọng - với một chút công sức trong nghề nghiệp của mình, một ngày nào đó sẽ cùng làm việc, tham gia vào hoạt động văn hóa nghệ thuật của tờ báo.
|
Vì thế, khi được mời làm đạo diễn cho chương trình vừa mang tính chính trị vừa mang tính nghệ thuật như KVT, đó là niềm hạnh phúc lớn khi ước mơ trở thành hiện thực. Với tôi, KVT trông như những tiết học chính trị hấp dẫn vì được truyền tải bằng âm nhạc, nghệ thuật bởi những nghệ sĩ của nhiều thế hệ tại Việt Nam. Và hơn thế, KVT vượt qua khuôn khổ chương trình nghệ thuật, nó như chiếc cầu nối giữa các thế hệ, lan tỏa và kết nối những giá trị truyền thống và hiện đại.
Là đạo diễn thế hệ 8X, tôi rất may mắn khi được dàn dựng cho chiếc cầu nối ấy, để kể những câu chuyện lịch sử của người đi trước cho thế hệ sau, để lắng nghe - ủng hộ các bạn trẻ nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình gửi đến thế hệ trước, và tất cả được lan tỏa, rung ngân lên bằng sợi chỉ đỏ của âm nhạc, nghệ thuật.
Trong những lần dàn dựng, điều khiến tôi xúc động là không ít nghệ sĩ trẻ đồng hành và họ không ngại tìm hiểu, thẩm thấu những tác phẩm đi qua năm tháng mà các đàn anh, đàn chị đi trước đã thể hiện rất thành công, luôn nghiên cứu cách hát để làm sao chạm trái tim của người thưởng thức. Điều đó cũng thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống của nghệ sĩ trẻ hôm nay.
Cao Trung Hiếu, đạo diễn KVT 11, 12
Mong muốn tạo thêm bản sắc khác biệt
|
Khi quay lại làm công tác đạo diễn cho KVT 4 tại TP.Đà Nẵng, tôi định hình lại cấu trúc để KVT được mở hơn, tương tác nhiều hơn: toàn bộ chương trình là một câu chuyện kể về biển đảo, 30% độ dài chương trình sử dụng nội lực địa phương (nghệ sĩ và tác phẩm) như việc đồng diễn mở màn của hàng trăm võ sinh vovinam với bài Thập tự quyền và sự tham gia của học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng. Còn lại thời gian là phần biểu diễn của các ca sĩ ngôi sao, các ca khúc nằm trong nội dung của kịch bản.
Thiết nghĩ trong tương lai, KVT nên đi theo hướng: thực cảnh + du lịch + biểu diễn (địa phương và một số ca sĩ ngôi sao), phù hợp một chương trình truyền hình mang tính chất trực tiếp. Như thế sẽ tạo thêm được bản sắc khác biệt. Hãy mường tượng một chương trình KVT diễn ra ở ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải với mùa lúa chín vàng, khán giả đi du lịch đông đảo, flycam tha hồ lướt ghi hình...
Hải Ninh, đạo diễn KVT 4, nguyên Phó ban Văn hóa nghệ thuật Báo Thanh Niên
Hành trình Khát vọng trẻ
Chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ ra đời với ý nghĩa tạo nên không gian âm nhạc dành cho người trẻ, thông qua âm nhạc để kể - lan tỏa những câu chuyện về tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước; dùng âm nhạc để giao lưu, tập hợp, đoàn kết thanh niên, qua đó vận động cho Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên từ các nguồn tài trợ xã hội hóa.
Khát vọng trẻ 1 diễn ra vào tháng 4.2010 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Khát vọng trẻ 2 diễn ra vào tháng 10.2010 tại Trường ĐH Cần Thơ.
Khát vọng trẻ 3 diễn ra vào tháng 3.2011 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM.
Khát vọng trẻ 4 diễn ra vào tháng 10.2011 tại Nhà thi đấu Tiên Sơn, Đà Nẵng.
Khát vọng trẻ 5 diễn ra vào tháng 12.2012 tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội.
Khát vọng trẻ 6 diễn ra vào tháng 9.2013 tại Nhà hát Lisenka, Kharkov, Ukraine.
Khát vọng trẻ 7 diễn ra vào tháng 11.2014 tại sân bay Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang).
Khát vọng trẻ 8 diễn ra vào tháng 12.2014 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Khát vọng trẻ 9 diễn ra vào tháng 3.2015 tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP.Quy Nhơn, Bình Định.
Khát vọng trẻ 10 diễn ra vào tháng 10.2016 tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP.Vinh, Nghệ An.
Khát vọng trẻ 11 diễn ra vào tháng 12.2017 tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội.
Khát vọng trẻ 12 diễn ra vào tháng 12.2019 tại Cung điền kinh Hà Nội.
|
Bình luận (0)