Ca sĩ Giang Trang bước lên sân khấu rạp Đại Đồng (46 Hàng Cót, Hà Nội) trong chiếc áo màu xanh vào tối 14.12. Cô hát Tà áo xanh “Nhạc đời còn ghi những nét thương yêu...”, rất tình. Giang Trang đứng chính giữa sân khấu của rạp hát từng thuộc sở hữu của “thiếu gia” Đoàn Chuẩn ngày nào để hát nhạc của ông.
Tà áo xanh huyền thoại
Rạp hát ấy, hồi đầu thế kỷ, vốn được người đời truyền tụng là Đoàn Chuẩn đầu tư để người trong mộng - ca sĩ Thanh Hằng hát. Tư liệu của nhà văn Nguyễn Trương Quý cho thấy, Đoàn Chuẩn là nhà đầu tư chính vào rạp từ tháng 1.1955. “Vì sao lại là tà áo xanh, có nhiều phỏng đoán. Nhưng cũng có thể vì màu áo xanh của nữ sinh Trưng Vương hồi đó đã rất thịnh hành. Một màu huyền thoại”, ông Quý nói.
tin liên quan
Âm nhạc dân tộc trong dòng chảy đương đạiNhững câu chuyện chia sẻ trong sách cho thấy một thời âm nhạc Hà Nội rất quyến rũ và say đắm. Tư liệu rất dày trong sách cho thấy hình ảnh cụ thể những âm thanh riêng, những quảng cáo phim ca nhạc, những đêm nhạc của thành phố. Một phần trong đó cũng được thu gọn trong đêm nhạc qua video tư liệu. Ở một đoạn video như thế, công chúng được gặp lại giai nhân một thời, cũng là danh ca số 1 rạp Đại Đồng - Thanh Hằng. Bà cao tuổi nhưng nói mạch lạc: “Xanh” khi được hỏi thích màu áo gì nhất. Màu âm nhạc một thời đã đọng lại trong màu sắc như thế. “Tôi nghĩ màu áo xanh chính là mật mã để bước vào thế giới âm nhạc của Đoàn Chuẩn”, đạo diễn Hoàng Điệp nói.
Khôi phục hồi ức của trái tim
Nhà văn Trương Quý đã đi với việc tìm tư liệu về âm nhạc Hà Nội để viết nên cuốn sách trong 10 năm. Cùng với ông còn có cả bạn bè cùng học trong khóa chuyên văn 92 - 95 của Trường Hà Nội - Amsterdam cũng tham gia phỏng vấn nhân chứng. Đối chiếu các tư liệu trên báo, cộng với nhiều phỏng vấn sâu, Nguyễn Trương Quý dựng được một hình ảnh Hà Nội rất đa dạng. Nhà nghiên cứu TS Mai Anh Tuấn cho rằng thông tin đời sống âm nhạc của nó kỹ đến mức đáng khâm phục. Đặc biệt là so với cuốn nghiên cứu có tên Lịch sử Hà Nội của nhà nghiên cứu Pháp Phillip Papin, phần âm nhạc đã kỹ lưỡng cụ thể hơn rất nhiều. Trong sách, Nguyễn Trương Quý dùng nhiều "nguyên liệu của ký ức" qua phỏng vấn. Đó là những tư liệu rất cá nhân.
Cùng với cuốn Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, cuốn sách này cho thấy sức mạnh của những nghiên cứu lịch sử “phi viện nghiên cứu”. Nó đi vào những nhánh sâu và tạo sức hấp dẫn nhờ những chi tiết cụ thể, câu chuyện cụ thể với khuôn mặt con người. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu gọi việc làm của Nguyễn Trương Quý trong cuốn sách này là “phục dựng lại những vi lịch sử”. Thêm vào đó, nó còn cho thấy ký ức riêng có thể tồn tại mãi mãi bất chấp biến thiên của thời cuộc.
Bình luận (0)