Âm nhạc kể chuyện thời chiến

26/07/2020 07:00 GMT+7

Những câu chuyện của lịch sử, chiến tranh được kể lại qua các dự án âm nhạc với góc nhìn của nghệ sĩ hôm nay.

Mang tinh thần đương đại

Ca sĩ Thanh Lam đã suy nghĩ rất kỹ trước khi thu âm album Nơi gặp gỡ tình yêu. Không phải bởi đây là lần đầu tiên chị thực hiện album với những ca khúc nhạc đỏ, mà bởi chị muốn hát những ca khúc này theo cách khác.
Tôi muốn những đóng góp nghệ thuật của mình tiếp cận với các bạn trẻ để đưa vào trong các em lòng yêu nước, sự tự hào chúng ta là những người được sinh ra trên mảnh đất này

NSƯT Thanh Lam

“Khi thu thanh có nhiều cái khó. Các ca khúc vẫn là những kỷ niệm, những thời khắc của lịch sử, nhưng tôi không muốn đựng trong đó nhiều mất mát, hận thù nữa, mà mang tới tinh thần mới - tinh thần đương đại”, Thanh Lam chia sẻ. Chính chị tự tuyển chọn 15 ca khúc trong album (Mùa xuân đầu tiên, Tình em, Mẹ yêu con, Mẹ Việt Nam mặt trời trong tim con, Ký ức đêm, Nơi gặp gỡ tình yêu, Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân nho nhỏ, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi thương sợi nhớ, Lên ngàn, Màu hoa đỏ, Gửi em ở cuối sông Hồng, Đất nước, Nhạc rừng), và thu đi thu lại trong suốt 2 năm cùng 2 cộng sự: nhạc sĩ Thanh Phương và nhạc sĩ Lưu Hà An.
Mãi vẹn nguyên là tên dự án âm nhạc vừa ra mắt của ca sĩ Huyền Trang gồm 3 MV Lời yêu lặng thầm, Em vẫn đợi anh, Những bông hoa huyền thoại. Với đề tài chiến tranh, 3 ca khúc không khai thác những góc nhìn bi thương, mà mang nhiều nét tình ca lãng mạn, ngợi ca sự lạc quan và yêu đời của những người lính, những cô gái thanh niên xung phong, những người phụ nữ nơi hậu phương. Đây đều là những sáng tác mới về chủ đề chiến tranh của các nhạc sĩ Lê An Tuyên, Bùi Hoàng Uyên Minh và Đậu Hoài Thanh. “Thường các ca sĩ ngại hát ca khúc mới, nhưng tôi lại thấy hào hứng với những sáng tác chưa được ai trình bày”, ca sĩ Huyền Trang nói.
Đã có nhiều nghệ sĩ bỏ công sức và kinh phí lớn để thực hiện những sản phẩm âm nhạc có đề tài chiến tranh. Cách đây 2 năm, MV Cúc ơi của NSƯT Tố Nga được thực hiện giống như bộ phim ngắn xúc động về 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Trên kênh YouTube, MV Cúc ơi đã có tới gần 2 triệu lượt xem. NSƯT Tố Nga cho hay đây là dự án âm nhạc lớn nhất sau 25 năm bước vào con đường nghệ thuật của chị. Chị luôn ấp ủ thực hiện sản phẩm âm nhạc về các nữ thanh niên xung phong anh hùng Ngã ba Đồng Lộc, những người con ưu tú của quê hương mình. Tiếp đó chị thực hiện MV Gửi vào thương nhớ với ca khúc cùng tên được phổ nhạc từ bài thơ Viếng mộ ba của nữ tác giả Minh Ngọc viết tâm sự dành cho ba mình đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Cả hai MV này đều do nữ đạo diễn trẻ Lam Hạ thực hiện.
Trước đó, ca sĩ Phạm Phương Thảo từng thực hiện dự án Tri ân được ấp ủ trong 5 năm gồm bộ đôi DVD - CD với những ca khúc tri ân người lính, người mẹ VN anh hùng, những người đã dành tuổi xuân hy sinh cho quê hương, đất nước...
Âm nhạc kể chuyện thời chiến

Bìa album Nơi gặp gỡ tình yêu của ca sĩ Thanh Lam

Ảnh: Tư liệu

Tiếp cận gần hơn với người trẻ

NSND Thanh Hoa nói bà thích cách hát của nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ với những ca khúc chiến tranh, trong đó có ca sĩ Huyền Trang. “3 ca khúc của em vừa thực hiện ngọt ngào, trong sáng, không quá nặng về những hy sinh mất mát, mà trong đó tràn đầy sự biết ơn của thế hệ trẻ”, NSND Thanh Hoa chia sẻ. Nữ nghệ sĩ thổ lộ bà rất xúc động khi được xem, được thấy những sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ hiện nay về đề tài chiến tranh. Theo bà, đó giống như việc thế hệ nay tiếp nối thế hệ đi trước - những nghệ sĩ như bà đã mang tiếng hát vào Trường Sơn. “Tôi muốn cảm ơn các em vì đã truyền tải cách nhìn của thế hệ mình để nhắc nhớ những người trẻ hôm nay biết ơn cha ông đã ngã xuống”, NSND Thanh Hoa bày tỏ.

Đa dạng hóa đời sống âm nhạc

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc nhiều nghệ sĩ thực hiện những dự án hay những chương trình âm nhạc về đề tài chiến tranh mang đến sự đa dạng hóa cho đời sống âm nhạc hiện nay. “Trước đây, những nghệ sĩ theo dòng âm nhạc chính thống chưa có điều kiện hoặc chưa coi trọng việc truyền thông. Hiện nay, với việc thực hiện những sản phẩm mang cả tính năng nghe - nhìn là MV, nhiều nghệ sĩ không chỉ đưa hình ảnh của họ mà cả dòng âm nhạc này đến gần với khán giả, nhất là những người trẻ”, ông Long nói. Nhà nghiên cứu âm nhạc này cho rằng: “Nhu cầu của người nghe với dòng nhạc này là có”. Điều đó có thể thấy qua việc có MV thu hút tới hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xem trên YouTube, hay nhiều show nhạc đỏ vẫn “cháy” vé.
Còn ca sĩ Thanh Lam thực hiện album Nơi gặp gỡ tình yêu như món quà dành tặng cha mẹ mình và tình yêu của họ. “Ba mẹ tôi khi mới tốt nghiệp trường nhạc đã vào chiến trường và mang thai tôi ở đấy. Tôi muốn ghi lại thời khắc đẹp của tình yêu trong thời chiến”, chị chia sẻ và cho biết thêm: “Khi thu âm xong, tôi có gửi cho các con tôi nghe. Các cháu rất thích”. Nữ ca sĩ cho hay chị muốn mở rộng và tiếp cận gần hơn với những người nghe trẻ.
“Không chỉ là âm nhạc nữa, mà người nghệ sĩ cần đưa cả tư tưởng của mình vào trong đời sống nghệ thuật. Tôi muốn những đóng góp nghệ thuật của mình tiếp cận với các bạn trẻ để đưa vào trong các em lòng yêu nước, sự tự hào chúng ta là những người được sinh ra trên mảnh đất này. Tôi nghĩ những bạn trẻ mang tinh thần yêu nước sẽ là những mầm xanh của tương lai”, NSƯT Thanh Lam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.