Trưng bày dựa trên câu nói của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, cũng là phương châm hành động của Đảng và toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trưng bày gồm 2 nội dung: Dấu ấn nơi miền quê và Dưới cờ Đảng vẻ vang. Dấu ấn nơi miền quê là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới cờ Đảng vẻ vang khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn sau chiến tranh, xây dựng đất nước.
Trong trưng bày Bài ca kết đoàn, có thể thấy những người con xã Đông Mỹ (H.Thanh Trì, Hà Nội) đã ngồi tù ở nhiều nhà tù địa ngục trần gian rồi tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng có thể thấy câu chuyện của Nam Vân - quê hương những nhà chiến lược tài ba. Ở đó, xã Nam Vân (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) là quê hương 3 anh em: đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), thượng tướng Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) và đại tướng Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống). Những năm tháng bị sa vào tay giặc cũng là thời gian để họ mài ý chí đấu tranh và trở thành những nhà chiến lược tài ba.
Người xem cũng được sống trong không khí buổi dạ hội của nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Công viên Bách thảo 60 năm về trước. Ở đó, hình ảnh Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp bài ca Kết đoàn, được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại. Hình ảnh đó sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Bình luận (0)