Bảo tàng nào cho Hoàng thành Thăng Long?

27/05/2020 06:24 GMT+7

Hiện tại, Hoàng thành Thăng Long chưa có bảo tàng riêng cho khu di sản. Có ý kiến cho rằng nên có một Bảo tàng Hoàng cung; cũng có ý kiến đề nghị trưng bày về lịch sử quân sự hiện đại.

Bảo tàng Hoàng cung để thu hút khách

Khi cuộc khai quật mới nhất ở Hoàng thành Thăng Long (HTTL) khép lại, PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã hình dung phần nào về một trưng bày cho khu di sản này. “Số lượng di vật khai quật phong phú và đa dạng. Đề xuất kiến nghị UBND TP.Hà Nội cho phép triển khai ngay nhiệm vụ tu sửa, nâng cấp tòa nhà của Bộ Quốc phòng để từng bước trưng bày di sản văn hóa HTTL. Đó là Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế”, ông Hùng nêu ý kiến.
Hiện tại, những hiện vật tìm được khi khai quật HTTL đã được trưng bày một phần tại tầng hầm tòa nhà Quốc hội. Đó là một trưng bày có diện tích lớn với nhiều hiện vật độc bản. Tại khu vực HTTL cũng có trưng bày nhỏ với các hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật, khó có thể so sánh với quy mô trưng bày bên tòa nhà Quốc hội. Vì thế, nhiều người lo lắng nếu mở Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, liệu Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội (đơn vị quản lý HTTL hiện tại) có đủ hiện vật hay không.
Về điều này, PGS-TS Phạm Mai Hùng cho biết: “Chúng tôi mong sẽ có Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long trên cơ sở kết quả khai quật ở Hoàng thành. Về địa điểm, có thể sử dụng tòa nhà Bộ Quốc phòng làm việc trước đấy, trên đường Hoàng Diệu, cũng nằm trong ranh giới Hoàng thành. Bộ Quốc phòng đã bàn giao tòa nhà do Pháp xây dựng cho trung tâm”.
HTTL hiện có nhiều hoạt động để phát huy di sản, kéo theo lượng khách ngày một tăng, tuy nhiên thiếu vắng các trưng bày với nội dung đặc trưng hấp dẫn. “Chúng ta cần những hình dung rõ hơn về lầu son gác tía, cung điện nguy nga từng được mô tả trong sử sách. Đây là điều các trưng bày cần làm. Đó cũng là lý do chúng ta cần thêm trưng bày tại đây”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nói.
Bảo tàng nào cho Hoàng thành Thăng Long ?

Một số hiện vật trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long

Ảnh: Ngữ Thiên

“Tổng hành dinh” cần trưng bày chuyên đề

Nhưng HTTL không chỉ có những hiện vật khảo cổ, khu vực khảo cổ. Nó còn có những tòa nhà thời Pháp thuộc, có cả những căn hầm mà từ đó, lệnh của Tổng hành dinh được phát ra cho tới ngày 30.4 lịch sử. “Nếu chỉ có những trưng bày khảo cổ học thì không đầy đủ về HTTL - một trung tâm quyền lực qua nhiều thời kỳ. Tôi nghĩ cần có một trưng bày về Bộ tổng chỉ huy trong chiến tranh ngay tại đó”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói.
Hiện nay đang có một “nút thắt” là liệu trưng bày cổ vật tại HTTL có vượt qua được trưng bày các hiện vật của HTTL ở tầng hầm tòa nhà Quốc hội hay không. Tại tầng hầm tòa nhà Quốc hội, các hiện vật trưng bày đều rất quý, lại được sự hỗ trợ của chuyên gia Pháp khi thực hiện. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Nếu có thể làm trưng bày tại HTTL thì nên ưu tiên cho trưng bày về Bộ tổng chỉ huy trong chiến tranh”. Cũng theo ông Huy, nên tìm cách kết nối HTTL với trưng bày dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội.
Còn TS Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội (đơn vị hiện quản lý HTTL), cho biết giá trị của khu di sản rất nhiều lớp. “Giá trị đó trải dài từ thời kỳ phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh. Vì thế, ứng với thời đại phong kiến có đề xuất Bảo tàng Hoàng cung; ứng với thời đại Hồ Chí Minh có đề xuất trưng bày Bộ tổng chỉ huy trong chiến tranh. Thực ra chúng tôi đều đang có trưng bày hai mảng này. Tuy nhiên thời gian tới, nếu làm được nhiều hơn nữa thì sẽ tốt hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cả hai đề xuất", ông Việt Anh nói.
Ông Huy cho rằng có thể lựa chọn một tòa nhà trong HTTL để trưng bày về Bộ tổng chỉ huy trong chiến tranh. Trưng bày sẽ giới thiệu những câu chuyện như Cục Tác chiến, Cục Tình báo… đã làm gì trong chiến tranh. “Giống như ở Anh, họ cũng sử dụng toàn bộ căn hầm mà người Anh đã dùng trong chiến tranh và nó là một bảo tàng tuyệt vời”, ông chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cũng nhắc với những nhân chứng sẽ làm câu chuyện sống động hơn nhiều lần. Nhân chứng là những cục trưởng cũ, cán bộ Cục Tác chiến, Cục Tham mưu, Cục Tình báo… Họ có thể kể câu chuyện những thời khắc tham gia vào chỉ huy các chiến dịch như: chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch Mậu Thân... “Một trưng bày lịch sử Bộ tổng chỉ huy trong chiến tranh là việc chúng ta có thể làm tốt. Khi người ta xem trưng bày ở dinh Độc Lập, người ta thấy Bộ tổng chỉ huy của Nguyễn Văn Thiệu. Chúng ta có nó như một nửa cuộc chiến từ phía chính quyền Sài Gòn. Và trưng bày ở HTTL là phần ghép với trưng bày ở dinh Độc Lập để ra cái nhìn hoàn chỉnh”, ông nói.
Cũng theo ông Huy, HTTL còn có thể có một trưng bày về thời kỳ người Pháp đô hộ và đóng quân tại đây. “Người Pháp chiếm Hoàng thành ra sao, ở đó thế nào, cộng với các di tích phong kiến, nó sẽ tạo những lớp lang của lịch sử. Trưng bày trung tâm quyền lực của người Pháp không phải để ca ngợi họ mà để thấy người Pháp đánh giá như thế nào về HTTL. Với tư liệu của Pháp, có thể kể câu chuyện người Pháp ở Đông Dương nữa”, ông Huy diễn giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.