Công việc "đãi cát tìm vàng" khá cực nhọc trên thỉnh thoảng phải ngừng lại vì một số "vật lạ" xuất hiện trong khi đào đất đã khiến họ tò mò cầm chúng lên ngắm nghía. Chúng gồm những mảnh gốm có đường vạch cong cong, hoặc những miếng đá có hình dạng đáng ngờ. Họ chưa biết rằng đối với các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học, thì chúng là những hiện vật vô giá có niên đại hơn một vạn năm về trước.
Có cả một "nghĩa địa ngầm" gồm hơn 185 mộ chum, mộ nồi, mộ vò nằm úp lên nhau, toàn bằng gốm, chôn dưới chân họ như phát hiện sau này. Số mộ đó với các đồ tùy táng chôn theo, cùng nhiều công cụ đồ đá cũ ghè đẽo, đá cuội thô, rìa lưỡi, rìa hình múi bưởi, rất hữu ích trong việc bổ túc nghiên cứu thêm về đời sống cư dân Tây Nguyên thời tiền sử. Khi tin đồn về "các vật thể chưa được xác định" bay đến tai một số nhà nghiên cứu trong tỉnh Kon Tum và cán bộ Bảo tàng tổng hợp của tỉnh này, một cuộc khảo sát Lung Leng thực hiện ở vị trí cách thị xã Kon Tum 15 cây số về phía tây, trên một dải đất hình mai rùa bên sông Pô Cô. Kết quả cho thấy đây là địa chỉ văn hóa có khả năng ẩn chứa dưới lòng đất nhiều thông tin về người cổ Tây Nguyên.
Trưng bày chuyên đề về di chỉ Lung Leng Từ ngày 26/8/2006, Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP.HCM và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Kon Tum kết hợp khai mạc chuyên đề: Lung Leng (Kon Tum) - Bí ẩn Tây Nguyên thời tiền sử, tại số 12 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Nội dung trưng bày gồm hai phần. Phần 1 (chính): với khoảng 800 hiện vật, bước đầu giải mã bí ẩn Lung Leng nhằm giới thiệu đến công chúng vài nét độc đáo của tiền sử Tây Nguyên. Phần 2 (bổ sung) là sưu tập dân tộc học tỉnh Kon Tum gồm các bộ cung tên, cồng chiêng, chóe rượu, vòng đeo tay và các đồ trang sức khác của những sơn nữ có "nụ cười sơn cước" xa xôi... |
Qua hai đợt phát hiện: 14.552 hiện vật đá gồm công cụ đồ đá cũ như các mũi nhọn, rìa lưỡi và công cụ đồ đá mới như bàn mài, hòn mài, lưỡi cưa, mũi khoan, đục đá, rìu có vai, rìu tứ giác, lao, cuốc răng trâu. Có cả bàn nghiền, khuôn đúc đồng và đồ trang sức như vòng tay, vòng tai, chuỗi hạt. 224 hiện vật gốm với các đồ dùng sinh hoạt như: nồi, bình, vò, ấm, dọi xe sợi, ghè tròn, một số có trang trí hình răng sói lên trên, hoặc tô thổ hoàng và có màu chì ánh đen. 37 hiện vật kim loại... Tất cả cung cấp nguồn tư liệu vật chất phong phú giúp nghiên cứu thời quá khứ xa xưa của vùng đất Kon Tum - Tây Nguyên trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên một số bí ẩn vẫn chưa được giải mã, như vấn đề nguồn gốc và sự xuất hiện, biến mất của các cư dân một thời ở Lung Leng như thế nào vẫn còn "đóng băng" trong dấu hỏi. Một số vật dụng thu được dưới lòng đất Lung Leng khá lạ lùng về kiểu dáng so với những di chỉ khác đương thời, như vòng đeo tai rất lớn bằng đá có đường kính hơn một gang tay, nơi rộng nhất đo được 30,5 cm, dày đến 1,8 cm và nặng khoảng 2 kg. Với sức nặng và kích cỡ như vậy không thể đeo lên tai được, vậy nó dùng vào việc gì? Theo một nhà nghiên cứu có thể nó chế tác để thể hiện uy quyền của chủ nhân nào đó. Cũng có thể nó được dùng trang trí hoặc sử dụng vào những nghi lễ tín ngưỡng của người tiền sử?
Các cổ vật tại buổi khai mạc trưng bày Lung Leng (Kon Tum) - Bí ẩn Tây Nguyên thời tiền sử. Ảnh: Diệp Đức Minh |
Giao Hưởng
Bình luận (0)