Trước tiên phải nói rằng, đây là bộ phim không dễ xem, không dễ cảm nhận ngay với vô vàn những hình ảnh mang tính biểu tượng cùng những thông điệp ẩn. Chính vì thế, có rất nhiều khán giả cho biết đã rất “bất ngờ” với những gì trong 88 phút phim.
Công bằng mà nói, cái được nhất có thể nhìn thấy ngay là phim quay rất đẹp với những khung hình gợi mở, giàu ngôn ngữ điện ảnh, cũng như cái tứ của bộ phim lạ và hay khi chuyển tải những câu chuyện về tình yêu, những khát khao thầm kín, những dục vọng, ẩn ức trong mỗi con người. Thế nhưng, từ cái tứ hay, giàu tính triết lý ở ý tưởng của kịch bản đến việc thể hiện lên màn hình bằng những thước phim như thế nào, có đem lại hiệu quả như người làm phim mong muốn hoặc lay động được cảm xúc người xem hay không lại là chuyện không hề dễ dàng.
|
Câu chuyện của Bi, đừng sợ không có nhiều cao trào, kịch tính, thắt nút, hạn chế lời thoại đến mức tối đa, mà đạo diễn đã tập trung vào chiều sâu nội tâm con người với những lát cắt bằng hình ảnh, chi tiết tủn mủn, rời rạc một cách có chủ ý về thế giới của mỗi nhân vật trong phim.
Phim chỉ có 6 nhân vật, là cậu bé Bi, bố, mẹ Bi, ông nội Bi, người cô của Bi và cậu học sinh trẻ tuổi mà người cô yêu thầm; và mỗi người là một thế giới riêng với những dẫn dắt mà tùy cảm nhận của người xem có thể cho là hờ hững, nhạt nhòa, hay dữ dội, ấn tượng. 6 nhân vật là 6 khoảng trời riêng - chung trong thế giới tình cảm con người, mà nếu xâu chuỗi lại có thể nhận ra tất cả những lát cắt số phận mà đạo diễn chuyển tải đó như những gì mà một kiếp người đến với cuộc sống này phải trải qua và dự phần. Như biểu tượng xuyên suốt phim là cây nước đá, viên đá lạnh đông cứng, hiện hữu, nhưng rồi cũng sẽ đến lúc tan chảy, bốc hơi không còn để lại dấu vết gì trong cuộc đời.
Với tôi, điện ảnh không phải là kể những câu chuyện xung quanh những nhân vật được định hình trước một cách rõ nét, mà chính là bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường để khám phá những gì bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày của họ.
|
|
Đạo diễn Phan Đăng Di |
Hình ảnh viên đá lạnh đảm nhận vai trò như “linh hồn” của phim khi xuất hiện liên tục trong nhiều “công dụng” và ý nghĩa với từng nhân vật (như người ông dùng đá để làm dịu cơn đau, người cô luống tuổi muộn chồng dùng để giải tỏa ức chế tình dục, Bi dùng để ướp những ký ức tuổi thơ với quả táo, chiếc lá…).
Đá lạnh còn là biểu trưng cho ý đồ của đạo diễn muốn ám chỉ đến môi trường sống lạnh giá, hờ hững, đang từng ngày nhạt dần đi những mối dây liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cậu bé Bi. Bi - nhân vật trung tâm của phim với ánh mắt trong veo, hồn nhiên, ngây thơ qua sự diễn xuất không thể chê được của em Phan Thành Minh - có thể nói là “điểm sáng” duy nhất trong phim.
Chính vì chủ ý muốn “bước vào thế giới của nhân vật” để khám phá những ẩn ức chứa ngập trong lòng của mỗi người mà đạo diễn cũng như nhà phát hành Bi, đừng sợ tại Việt Nam đã lưu ý khán giả hãy “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” nếu chọn lựa đến với bộ phim, rằng: “Bi, đừng sợ thực chất là 88 phút soi chiếu những khoảng tâm hồn của con người: vừa bi quan, vừa mệt mỏi, vừa là những ức chế muốn giải thoát vừa là những mảng màu tươi sáng hướng về sự hòa nhập hài hòa với thiên nhiên”.
Được biết, bản phim Bi, đừng sợ sẽ chiếu tại các rạp trong nước vào ngày 18.3 là bản đã được cắt gọt đi mấy phút cảnh “nóng” chứ không chiếu hết nguyên bản như phim đã từng dự thi các liên hoan phim trên thế giới. Tuy thế, trong phim vẫn còn một phân đoạn khá “nóng” với phần khỏa thân táo bạo nhất từ trước đến nay trong phim Việt của diễn viên Kiều Trinh (vai mẹ Bi) và Nguyễn Hà Phong (vai bố Bi) khi cả hai gần như “nuy” 100% trong lúc đóng cảnh chăn gối. |
Phan Cao Tùng
Bình luận (0)