Người dân làng Phụng Sơn (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) lưu truyền câu chuyện về các ông Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương và Trần Điển lập Nghĩa thương để làm giàu cho làng.
Ông Lâm và các tài liệu ghi chép về dòng họ - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Học tài thi phận
Theo cuốn gia phả dòng họ do ông Nguyễn Thế Lâm (71 tuổi, ở làng Phụng Sơn, cháu 5 đời của ông Nguyễn Thế Hiển) cất giữ, thì tổ tiên vốn họ Lý ở Nghệ An. Người đầu tiên trong họ đưa gia đình đến làng Phụng Sơn định cư là ông Lý Nghi. Con ông Nghi là Lý Phụng thông minh, nổi tiếng học giỏi trong vùng nhưng thi không đậu, lại phạm húy nên phải đổi tên thành Nguyễn Thế Phụng. Sau đó, ông Phụng thi đỗ, được triều đình nhà Nguyễn ở Huế thăng đến chức Ngự tiền phụng chỉ. Ông Phụng có vợ tên Vũ Ninh, người ở Huế, sinh hạ được 3 người con là Nguyễn Thị Nhạn (lấy chồng họ Dương, làm quan Bố chánh Quảng Nam), Nguyễn Hàm và Nguyễn Thế Tân. Thời gian sau, ông Phụng bị bãi quan nên về làng Phụng Sơn sinh sống. Sau đời ông Phụng, con cháu đều lấy họ là Nguyễn Thế.
Hai con trai ông Phụng đều được học hành tử tế nhưng ông Hàm thi không đỗ, thể trạng ốm yếu nên buồn rồi sinh bệnh, qua đời sớm. Ông Nguyễn Thế Tân đỗ tú tài năm 1819 nhưng không đi thi cử nhân. “Ông Hàm vốn ở nhà từ đường của cha mẹ, khi mất để lại 3 người con. Ông Tân cũng có 2 người con trai là Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương. Thấy gia cảnh vợ con anh trai nghèo khó, mẹ góa con côi, lại phải nuôi mẹ già, ông Tân để con lại cho vợ nuôi dưỡng còn mình về từ đường ở với mẹ, canh tác ruộng vườn, dạy dỗ các cháu. Đến khi dựng vợ gả chồng cho các cháu xong, ông Tân mới về ở với gia đình”, ông Lâm kể.
Hai anh em ông Nguyễn Thế Hiển (1823 - 1871), Nguyễn Thế Lương (1825 - 1873) học chữ với cha, dù nhà nghèo cũng rất chăm chỉ học hành, hay chữ có tiếng trong vùng. Ông Hiển thi 5 khoa chỉ đỗ tú tài nên người đương thời gọi là “Ngũ khoa tú tài”. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông quyết không đi thi nữa mà ở nhà làm ruộng.
Trong bài Cảm xúc khi kính cẩn đọc Tế Dân ký của cụ cử Dương Xuân tên Lê Phổ (bạn học với ông Nguyễn Thế Lương) có ghi: Ông Lương là người thông minh, nhớ giỏi, có khí tiết, cẩn trọng, trầm mặc. Trong kỳ thi Hương năm Bính Ngọ (1846), các quan trường thi Bình Định lấy tên ông Nguyễn Thế Lương vào danh sách đậu cử nhân nhưng khi bài vở gửi về kinh thành Huế cho Bộ Học duyệt thì ông bị đánh xuống tú tài vì phạm húy nhẹ. Từ đó, ông Lương không đi thi nữa.
Nghĩa thương làng Phụng Sơn
Năm Tự Đức thứ 13 (1860), các ông Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương và Quan Án sát hưu trí Trần Điển bàn nhau lập Quỹ nghĩa thương cho làng Phụng Sơn. Lúc bây giờ, ruộng đất trong làng phần nhiều thuộc về phú hào, địa chủ, dân không có ruộng cày phải làm thuê, làm mướn nên quanh năm nghèo khổ. Trong bài Tế Dân ký của ông Nguyễn Thế Lương cũng có nhắc đến việc lập Nghĩa thương làng Phụng Sơn, trong đó ông Hiển được phân lo công việc phân chia lúa thóc, còn ông Lương hướng dẫn dân kỹ thuật dẫn nước vào ruộng, trồng lúa... Các ông vận động nhà giàu góp tiền lập ra Nghĩa điền, sau đó xây dựng Kho Nghĩa thương và bàn cách chia sao cho dân cày có thóc để ăn, số còn lại để trong kho phòng khi đói kém. Nhờ vậy, dân làng Phụng Sơn có ruộng cày, thóc để ăn, có tiền của để dành.
Đầu tiên, Quỹ nghĩa thương làng Phụng Sơn giúp người nghèo và trẻ mồ côi, sau phát triển lớn, giúp người nghèo không những trong làng mà còn ở làng khác và đóng góp nhiều việc nghĩa trong huyện, trong phủ. Khi nghe tin dân Phụng Sơn có tiền của, du côn ở nơi khác kéo đến cướp phá. Các ông tổ chức đào hào sâu, đắp lũy cao, mời thầy về dạy võ cho dân và hương binh. Nhờ vậy, các toán cướp bị đánh bại, không dám đến làng quấy phá.
Theo ông Nguyễn Thế Lâm, năm Tự Đức thứ 16 (1863), triều đình nghe tiếng ông Hiển là bậc hiền tài nên chỉ thị ông ra kinh để sát vấn và được thọ hàm Hàn Lâm niện Cung phụng, sung chức Tri phủ Thăng Bình (Quảng Nam). Tuy nhiên, ông Hiển làm quan được ba tháng thì cáo bệnh xin về chăm lo việc Nghĩa thương làng Phụng Sơn cho đến cuối đời.
Các con ông Hiển đều học giỏi, đỗ đạt. Trong đó có ông Nguyễn Thế Triết (Trác) tham gia phong trào Cần Vương do cụ Đào Doãn Địch và sau đó là Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Khi phong trào Cần Vương tại Bình Định thất bại, ông Triết trốn lên vùng Vĩnh Thạnh (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định). Hai quan của triều Nguyễn là Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc kêu gọi đầu hàng không được, dẫn quân về đốt phá từ đường họ Nguyễn ở Phụng Sơn, tịch thu ruộng đất của người trong họ.
Sau khi ông Hiển mất, làng Phụng Sơn thương tiếc, chung công góp sức lập một ngôi miếu gọi là Nghĩa tự để thờ và nhờ ông Tú Nguyễn Diêu viết bài ca ngợi công đức của ông. Sau này, tri phủ Tuy Phước Lê Trọng Khoảnh cũng có một bài ca ngợi công đức của ông. Ngày nay, Nghĩa tự đã bị hư hỏng nhưng tấm bia công đức vẫn còn.
Bình luận (0)