Biên đạo gốc Việt đưa patin vào múa đương đại

30/06/2019 08:00 GMT+7

Biên đạo múa người Pháp gốc Việt Xuân Lê mang tác phẩm Vòng lặp tới Liên hoan Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019 vào tối nay 30.6.

Xuân Lê từng vô địch giải trượt patin nước Pháp và đứng thứ 6 giải trượt patin thế giới năm 2009. Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của Xuân Lê khi anh gặp đạo diễn Thomas Braud - người đã gợi ý anh đến với múa đương đại. Năm 2016, Xuân Lê quyết định thành lập đoàn múa tại Paris để thỏa mãn đam mê biên đạo và dàn dựng các tác phẩm của mình.
Trượt patin là loại hình nghệ thuật đường phố, trong khi múa đương đại là loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm, gắn với không gian biểu diễn trong nhà hát. Anh lý giải thế nào về việc kết hợp hai loại hình này?
Với tôi, trượt patin có điểm tương đồng với múa đương đại là đều dùng những kỹ thuật chuyển động của cơ thể để biểu đạt suy nghĩ và tư duy. Tôi đến với patin từ khi 5 tuổi nên tôi hiểu rõ những kỹ thuật của loại hình này và muốn phát triển cùng với ngôn ngữ của múa đương đại. Không đơn thuần chỉ là bê những đường trượt patin lên sân khấu, tôi sử dụng ánh sáng, âm thanh, không gian của sân khấu... để phát triển tác phẩm của mình. Hai loại hình nghệ thuật được hòa quyện và dung dưỡng cho nhau. Đó cũng là điều mà nhiều người chưa nghĩ đến, và vì thế tạo nên tính bất ngờ cho người xem.
Vì sao anh lại nghĩ đến chủ đề nguồn gốc, nguồn cội cho tác phẩm đầu tay Vòng lặp của mình?
Khi nói về nguồn gốc, nguồn cội, mọi người thường tự vấn ta đến từ đâu, nguồn cội của gia đình, tổ tiên ta như thế nào. Tôi cũng luôn tự đặt ra những câu hỏi đó. Tuy nhiên, qua tác phẩm của mình, tôi còn muốn đề cập đến vấn đề ở góc độ khác, trừu tượng hơn. Đó là sự tái sinh, nghiệp lực, cõi luân hồi...
Tôi muốn qua tác phẩm khơi gợi cho người xem những gì thuộc về họ và yếu tố xung quanh họ mà trong phút chốc có thể họ lãng quên. Mỗi tác phẩm mang đến cách nhìn cảm xúc khác nhau, nhưng điều tôi muốn truyền tải là sự nhắc nhở mọi người về vai trò của chúng ta đến với thế giới này, tất nhiên đó không chỉ là để tiếp nối dòng dõi gia đình.
Không chỉ mang đến “bữa tiệc” múa đương đại, Hanoi Dance Fest 2019 còn hướng đến việc kết nối giữa nghệ sĩ múa trong nước và nghệ sĩ múa gốc Việt trên thế giới. Anh đã có kế hoạch gì để tiếp tục sự kết nối này?
Tôi chờ đợi một dự án kết hợp với những nghệ sĩ múa tài năng của VN. Lần trở về trước của tôi cách đây đã 8 năm, và lần này khi trở lại, tôi nhận thấy hình ảnh VN trong những câu chuyện mà ông bà, bố mẹ tôi kể với hình ảnh VN bây giờ đã khác quá nhiều. Sự thay đổi, phát triển của đất nước mang đến những tín hiệu mới cho nghệ thuật; và cánh cửa đưa nghệ thuật VN tiệm cận với thế giới cũng ngày một rộng mở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.