‘Bố già’: Cú ‘lật mặt’ của điện ảnh Việt

06/03/2021 16:02 GMT+7

Không hề lên gân hay triết lý cao siêu, Bố già cứ tự nhiên đi vào lòng khán giả, khiến họ cười nghiêng ngả bên những giọt nước mắt lăn dài.

Bố già là bộ phim thuần Việt, với kịch bản hoàn toàn Việt, diễn viên, đạo diễn Việt chứ không phải phim làm lại (remake) từ những siêu phẩm đình đám của Hàn, Trung hay thậm chí là Thái Lan, Philippines. Nhưng phim vẫn đủ đầy cung bậc cảm xúc, mới khóc đó đã cười, mới rưng rưng đó đã hả hê. Điều đó minh chứng một điều: điện ảnh Việt dư sức làm ra những bộ phim hoàn toàn Việt với câu chuyện rất Việt và được khán giả Việt đón nhận.

Thông điệp của tình yêu thương

Bố già xoay quanh câu chuyện gia đình nhiều thế hệ gồm Hai Giàu (Ngọc Giàu), Ba Sang (Trấn Thành), Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Quý (La Thành). Bốn chị em Giàu – Sang – Phú – Quý mà mãi vẫn… nghèo, sống trong con hẻm lao động giữa Sài Gòn đô hội. Xoáy sâu vào sự khác biệt quan niệm giữa hai thế hệ cha - con, Bố già dẫn người xem trôi vào những kỷ niệm mà đa phần ai từng sống ở Sài Gòn 20-30 năm trước đều cảm nhận rõ: xóm nghèo, nước ngập, ồn ào… với đủ thứ hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Hiếm có bộ phim Việt nào mà chất đời được lồng vào nhiều và trọn vẹn như Bố già từ cảnh anh thanh niên hay lén tiểu bậy đến chuyện "nhà có đám" là chận xe cả xóm, đề nghị đi đường khác để gia chủ "vui" bên cái micro la om sòm các ca khúc cũ rích…

Phim Bố già kể câu chuyện quanh một xóm nghèo ở Sài Gòn

ẢNH: GALAXY

Điểm nhấn của phim là lời thoại. Khán giả rơi nước mắt khi nghe Ba Sang la trong cơn tức giận vì con trai Quắn (Tuấn Trần) không hiểu mình, không cảm được sự hi sinh của ông với gia đình, con cái bằng câu thoại: "Đ.M vì tao thương mầy!". Tình thương không thể cân đo đong đếm bằng lý trí, bằng trực giác. Nó không đến bằng sự trao đổi mà là cho đi. Và Ba Sang đã sống như thế!
Sự xung khắc cha-con trong phim cũng được từng khán giả cảm nhận như ngoài đời vì ít nhất vài lần ai đó cũng từng tranh cãi với cha mẹ mình về quan niệm sống, về cái được cho là "tư tưởng lạc hậu" của ông bà cụ. Ba Sang là một ông bố nghèo, không có nhiều tiền của, vật chất để lại cho con nên lấy sự hi sinh mà đền đáp. Trong khi người con lại suy nghĩ khác khi cho rằng: "Ba hãy sống cuộc đời của ba, đừng sống vì người khác nữa". Nhưng rồi người xem chợt tỉnh, chợt nhớ lại lần cuối cùng mình chụp ảnh chung với cha là khi nào như Tuấn Trần đã hỏi trong phim. "Dạo này tui thấy con trai tui nó thương tui nhiều quá, tự nhiên thấy muốn sống ghê", câu thoại rất đời của Ba Sang, của người cha gần đất xa trời như giọt nước tràn ly về tình cha con, nghĩa gia đình. Bi kịch, đau thương, hạnh phúc cứ đan xen trong Bố già. Xem phim chắc rằng nhiều người đều nhớ đến cha mình dù còn hay mất qua hình ảnh Ba Sang ngồi cặm cụi dùng mỏ hàn chì sửa đồ điện trong nhà, gội đầu cho cháu gái... Hay chi tiết con trai Quắn tắm nhờ Ba Sang đưa chai dầu gội, ông già mằn mò lấy chai dầu đã cạn đổ thêm xíu nước vào đưa con trai để xài cho thật hết. Cái máu nghèo, tiện tặn của ông làm ai cũng phải ngậm ngùi chợt nhớ về một thời mình đã từng sống như thế, và cha mẹ mình cũng từng làm thế ngày xưa…

Tình gia đình là thông điệp chính mà Bố già luôn hướng tới

ẢNH: GALAXY

Rồi cái xóm nghèo nhiều người sống hồi nhỏ từng ngập nước thế nào mỗi khi mưa lớn, cả đám con nít chạy ùa ra hẻm tắm mưa ngụp lặn trong cái "hồ bơi khổng lồ" đầy hôi hám chạy dọc dài theo con ngõ nhỏ. Tất cả những hình ảnh kỷ niệm đó đều được tái hiện trong Bố già, hiển nhiên nhưng dễ làm cho bao con tim phải thổn thức.
Bối cảnh phim được chăm chút theo từng góc máy. Vật dụng, đồ nội thất trong nhà cũng được chuẩn bị và sắp xếp chu đáo. Phục trang từng nhân vật hợp với cảnh quay. Cách xây dựng nhân vật rất đời thường, gần gũi và các tình tiết thì quá thật, không xảy ra ở đâu đâu mà luôn khiến khán giả cảm nhận: "Hình như mình đã thấy cảnh này ngoài đời rồi". Từng lớp xung khắc, vui buồn được tung ra và giải quyết lần lượt hợp logic, không gượng ép. Bố già là thế!
Bố già có thể đánh bay quan niệm: phim Việt lời thoại chán òm, nói toàn triết lý cao siêu, toàn chuyện chỗ nào chứ ít thấy chữ ĐỜI. Dàn diễn viên trong phim thì quá tròn vai, khó thể chê được. Mỗi diễn viên đều tạo được dấu ấn, làm khán giả nhớ.
Tuy nhiên nếu phần đầu đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành chắt lọc hơn, bớt dàn trải thì phim sẽ gọn gàng và chỉn chu hơn. Vài phân đoạn cũng còn khá sến nhưng không quá lạm dụng mà tiết chế ổn nên không đẩy phim quá xa rời thực tế.
Bố già của Trấn Thành dù chỉ trùng cái tên Bố già (The Godfather) của đạo diễn lừng danh Francis F.Coppola với ngôi sao Al Pacino vào vai Bố già Mafia Michael Corleon nhưng có chung một thông điệp, như nhân vật Corleon từng nói: "Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì mãi mãi không bao giờ trở thành người đàn ông thật sự". Ba Sang trong Bố già đã sống đúng như thế. Và lời nhắn sau khi Bố già kết thúc như vọng mãi trong tim khán giả: "Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy dành thời gian cho những người thương yêu nhất".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.