Ca sĩ opera tìm đường đến công chúng

27/10/2017 07:41 GMT+7

Nhiều giọng ca vàng của opera VN đang tìm cách đi trên hai con đường: làm nghề và tiếp cận với công chúng.

Hát nhạc pop mang hơi hướng cổ điển
“Opera là sự nghiệp chính trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Tuy nhiên, nghệ thuật nào cũng cần hướng đến công chúng”, Phan Trung Kiên chia sẻ. Chàng sinh viên 22 tuổi của Học viện Âm nhạc quốc gia VN (Hà Nội) này đã vượt qua khoảng 200 tài năng âm nhạc đến từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia… để giành huy chương vàng tại Liên hoan châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng 8 vừa qua.
Giọng hát hay, kỹ thuật tốt, ngoại hình bắt sân khấu, Phan Trung Kiên có nhiều yếu tố để các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc săn đón. Trong khi đó, NSƯT Quốc Hưng, thầy của Kiên, bày tỏ ông luôn mong cậu học trò sẽ không chệch khỏi con đường âm nhạc chính thống, bởi lẽ, làng opera Việt đang quá khan hiếm các giọng ca. Ông kể mình vẫn vào TP.HCM để thể hiện nhân vật với giọng bass trong vở opera Cây sáo thần. Có lần, ông không tham gia biểu diễn được, ban tổ chức đã không thể tìm được giọng ca trong nước nào thay thế nên buộc phải mời ca sĩ nước ngoài.
Muốn tìm đường hướng đến công chúng nên vừa qua Phan Trung Kiên đã “chào” khán giả đại chúng với MV Hà Nội 12 mùa hoa theo phong cách bán cổ điển. “Tôi muốn thể hiện những bản nhạc pop mang hơi hướng cổ điển để gần gũi với công chúng hơn. Đó cũng là 2 con đường mà tôi lựa chọn để đi song song”, Phan Trung Kiên bày tỏ.
“Mở đường” cho ca sĩ opera 1
Ca sĩ Phan Trung Kiên Ảnh: NSCC
Nhiều giọng ca vàng của opera VN thuộc thế hệ đi trước cũng chọn con đường này như ca sĩ Lan Anh, Đăng Dương… Đăng Dương vừa thực hiện live show đầu tiên sau 22 năm ca hát. Nhiều ca khúc chính ca, dân ca, tình ca vốn quen thuộc với công chúng được anh làm mới khi trình diễn với dàn nhạc giao hưởng theo phong cách thính phòng. Mặc dù theo NSND Quang Thọ, người thầy thanh nhạc đầu tiên của Đăng Dương, anh thuộc về sân khấu của những vai diễn trong các tác phẩm opera kinh điển nhưng nam ca sĩ đã đến với khán giả theo cách của anh.
Làm phong phú đời sống âm nhạc
Tùy vào sự lựa chọn của nghệ sĩ
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, sự chọn lựa của nghệ sĩ là quan trọng bởi họ thấy giọng mình phù hợp dòng nhạc nào, nên chuyên sâu dòng nhạc nào, có phù hợp khi mở rộng hay tiếp cận thêm thể loại khác không. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, ca sĩ được đào tạo bài bản, có tài năng nhưng nếu không rèn luyện trau dồi, nóng vội trong việc tiếp cận khán giả hoặc không xác định rõ sở trường, sở đoản của mình thì rất dễ lúng túng và hoang mang trong đường hướng phát triển.
“Việc các giọng ca opera tiếp cận với đại chúng, hướng đến dòng nhạc semi classic, hay nghiêng về trữ tình, góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc. Nhưng với câu hỏi vì sao, thì phải nhìn nhận opera chưa phát triển, người nghệ sĩ chưa có nhiều cơ hội gần gũi hơn với khán giả qua loại hình nghệ thuật này, nên họ tìm đường đến với đại chúng theo những cách khác nhau”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết nhiều giọng ca vàng của opera tạo nên những điểm nhấn cho đời sống âm nhạc, nâng cao thẩm mỹ của khán giả. Tuy nhiên, theo ông, không nên “khoác” cho họ trách nhiệm là cầu nối giữa công chúng và nghệ thuật hàn lâm. “Con đường hiện nay của các nghệ sĩ là lựa chọn cá nhân. Còn nếu muốn thay đổi đời sống âm nhạc, chúng ta phải thay đổi từ chính sách giáo dục, thẩm mỹ nghệ thuật trong nhà trường. Đó mới là những gốc rễ cần nói đến”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.
Chính NSƯT Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO) đã từng đưa dàn nhạc giao hưởng của HBSO biểu diễn trong vở cải lương Kim Vân Kiều. Có thể kể đến những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển khác “bước ra” thị trường và được công chúng biết đến, yêu thích nhiều hơn, như nhạc trưởng Trần Nhật Minh (thuộc HBSO) từng tham gia nhiều dự án âm nhạc của các ngôi sao nhạc nhẹ; nghệ sĩ opera Ngọc Tuyền được đón nhận nhiều hơn khi biểu diễn The phantom of the opera trong concert của ca sĩ Đức Tuấn hay trong chương trình rock - giao hưởng Unlimited Symphony… Gần đây, các nghệ sĩ nổi tiếng của dòng thính phòng: Hồng Vy, Duyên Huyền, Đào Mác, NSƯT Đăng Dương… cũng có những chương trình hòa nhạc Plaisir D’Amour - Tình yêu và đam mê, kết hợp biểu diễn ca khúc trữ tình và trích đoạn opera kinh điển, các bản dân ca VN được biên soạn lại cho giọng hát và dàn nhạc thính phòng, được công chúng nồng nhiệt hưởng ứng.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ việc anh hợp tác với các ca sĩ nhạc nhẹ, tham gia các dự án nhạc nhẹ cũng là cách giúp anh học thêm thể loại này và có cái nhìn phong phú hơn về đời sống âm nhạc nói chung khi trở lại với âm nhạc cổ điển.
Ở khía cạnh khác, NSƯT Hồng Vy, một trong những người khởi xướng chương trình Tình yêu và đam mê và sắp tới sẽ ra mắt chuỗi Âm nhạc thính phòng VN, cho rằng: “Vấn đề chúng tôi trăn trở không phải là quan tâm làm thế nào để âm nhạc của mình có thể được phổ biến như nhạc nhẹ, mà những nghệ sĩ dòng âm nhạc chuyên sâu làm sao có được những sân chơi, nơi mình được thể hiện đúng chuyên môn và sở trường, được trau dồi nghề nghiệp và vẫn mang đến không gian thưởng thức dễ tiếp cận với khán giả nói chung”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.