Cải lương qua 1 thế kỷ: Giải Trần Hữu Trang và Chuông vàng vọng cổ

07/04/2018 07:18 GMT+7

Từ thập niên 1990, cải lương bước sang một giai đoạn mới với hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ trẻ. Trong đó có sự góp mặt đãi cát tìm vàng của hai giải thưởng lớn là giải Trần Hữu Trang và Chuông vàng vọng cổ.

Giải Trần Hữu Trang và cát sê khủng
Năm 1991, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức giải Trần Hữu Trang như sự tiếp nối của giải Thanh Tâm trước kia và nghệ sĩ đã hưởng ứng nhiệt tình. Cách chấm giải bây giờ khác với giải Thanh Tâm. Các nghệ sĩ đăng ký trước, rồi ban tổ chức lên lịch thi rõ ràng. Vòng sơ kết, bán kết có thể thi tại từng cụm ở các tỉnh thành, đến vòng chung kết mới tập trung về TP.HCM thi tại một nhà hát lớn. Tác phẩm thi cũng không phải nguyên tuồng như giải Thanh Tâm, mà chỉ là những trích đoạn. Thí sinh thường chọn các trích đoạn trong những vở tuồng kinh điển, thi thoảng có viết trích đoạn mới. Thi ca diễn xong, thí sinh còn thi về kiến thức chuyên môn, về ứng xử. Ban giám khảo gồm có nghệ sĩ, báo chí, và khán giả. Trong đó điểm thi của nghệ sĩ chấm về chuyên môn là có tính quyết định nhất.
Tính đến năm 2017 giải Trần Hữu Trang đã tổ chức được 12 lần với khoảng 70 thí sinh đoạt giải. Có những tên tuổi trở thành “sao” từ lâu như Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Linh Tâm, Châu Thanh, Thanh Ngân, Tú Sương, Trinh Trinh, Hoàng Nhất, Quế Trân, Hữu Quốc, Vũ Luân, Quỳnh Hương… Nhiều người trở thành giảng viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM như Lê Tứ, Hải Long, Lê Hồng Thắm… Nhiều người thuộc các đoàn tỉnh như Ngọc Trinh, Hải Yến, Trúc Ly, Hoa Phượng, Lịch Sử, Nhơn Hậu... lên đào kép chánh hoặc đi học thêm đạo diễn, hoặc trở thành lãnh đạo đoàn.
Giai đoạn 10 năm trước và sau 1990 là thời hoàng kim của băng video, cũng góp phần đưa các ngôi sao giải Trần Hữu Trang sáng chói. Video sản xuất liên tục, có khi một nghệ sĩ chạy sô quay 3 - 4 vở cùng lúc, sản phẩm bán trong nước lẫn nước ngoài ồ ạt. Cát sê nghệ sĩ rất cao, quay một băng video, kép chánh hoặc đào chánh có thể lãnh vài cây vàng. Các ngôi sao này có lượng fan khủng khiếp, nhất là Ngọc Huyền, Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương…
Đến năm 2000 trở đi, video chựng lại, sân khấu cũng lâm vào khó khăn cho tới bây giờ.
Chuông vàng vọng cổ phát hiện tài năng mới
Nếu giải Trần Hữu Trang dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp đi thi, thì giải Chuông vàng vọng cổ do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức (bắt đầu từ 2006) dành cho tất cả những ai không chuyên trong quần chúng. Vì vậy có thể thấy một anh nông dân, một anh tài công lái ghe thuyền, một anh bộ đội... được giải. Tiêu chí chọn lựa nhấn mạnh vào chất giọng lạ, đặc biệt tập trung vào hát vọng cổ hơn là biểu diễn nên lượng thí sinh rất đông, lên tới hàng nghìn người. Từ chỗ định gói gọn trong khu vực phía nam, sau đã mở rộng ra cả nước. Cuộc chơi này thú vị bởi nó mở rộng và giúp khán giả phát hiện nhiều gương mặt mới toanh.
Thú vị nữa là sau khi có giải, các thí sinh từ chỗ không chuyên đã bước hẳn vào thế giới nghệ thuật. Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường trở thành kép chánh của Nhà hát Trần Hữu Trang với ngoại hình trẻ đẹp, ca diễn vững vàng. Ngọc Hoa tham gia cải lương lẫn game show và phim. Lê Văn Gàn, Bùi Trung Đẳng, Võ Thành Phê với chất giọng quá đẹp đi hát salon cho đám tiệc và các đại nhạc hội, các chương trình tổng hợp… thậm chí sắm được cả xe hơi. Ngọc Đợi, Thu Vân cũng chạy sô rất nhiều. Nguyễn Văn Khởi là gương mặt trẻ nhất mùa 2017 có giọng ca ngọt ngào rung động, đang được các ông bầu săn đón.
Giới sành điệu vẫn thích nghe ca salon để được thưởng thức từng cách ngân rung, cách nhả chữ, từng câu luyến láy. Vọng cổ vẫn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ nếu chất giọng đặc biệt. NSƯT Minh Vương, thành viên ban giám khảo nhiều năm liền, nói: “Cách ca có thể chưa điệu nghệ cho lắm vì các em còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng có thể huấn luyện được, rèn tập được. Chứ còn giọng ca là trời phú, trời không ban cho thì dù có tập dượt thế nào cũng không bật lên được. Cho nên chúng tôi chấm điểm đặc biệt chú ý tới chất giọng, phát hiện ra em nào là mừng vô cùng”. NSND Bạch Tuyết cũng nhiều năm làm giám khảo, cho rằng: “Đây là một giải thưởng ý nghĩa giúp vọng cổ cải lương sống mạnh mẽ trong lòng khán giả. Khi các sân khấu ít sáng đèn thì các chương trình tổng hợp lại cài đặt nhiều tiết mục vọng cổ và trích đoạn cải lương, được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Đó là đất cho các giọng ca hay được thể hiện”.
Có lẽ phải nhắc đến một giải thưởng uy tín nữa do Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM khởi xướng từ 1993 là giải Bông lúa vàng, đến nay đã 20 lần tổ chức. Các thí sinh đăng ký thi và đài phát sóng trực tiếp trên truyền thanh, được hàng triệu người theo dõi. Tiêu chí cũng là ca vọng cổ và các bài bản tổ, nhấn mạnh vào chất giọng lạ, đặc biệt. Nhiều thí sinh đoạt giải ở đây đã mạnh dạn bước vào thi Chuông vàng vọng cổ và đã đoạt giải tiếp. Bông lúa vàng là một cuộc “đãi cát” quy mô để chuẩn bị cho những mùa vàng tiếp nối của hai giải nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.