Cận cảnh đoạn thành cổ Điện Hải bị vùi lấp cả trăm năm

10/05/2018 18:57 GMT+7

Sau nhiều năm bị vùi lấp do chiến tranh và ảnh hưởng của việc người dân xây dựng nhà ở chồng lấn, đoạn thành, hào phía tây và nam thành Điện Hải đã phát lộ.

Chiều 10.5, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cùng các chuyên gia khảo cổ, trùng tu di tích đã có buổi khảo sát khu khai quật khảo cổ di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (thuộc P.Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế Công ty CP Đầu tư phát triển Vishnu Huế, theo thời gian, thành Điện Hải đã trải qua nhiều sự tàn phá khốc liệt trong các cuộc tấn công của thực dân Pháp cũng như sự xâm lấn của người dân xung quanh. Hiện nay, phần tường hào phía đông và tường thành khá nguyên vẹn. Tường hào và phần hào nước phía tây, nam đã bị lấn chiếm bởi các hộ dân.

Yếu tố gốc của di tích là phần tường ngoài đã phát lộ rõ ẢNH: HOÀNG SƠN

Ngày 29.3 vừa qua, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời tiến hành khởi công công trình tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích giai đoạn 1.

Sau hơn một tháng khai quật, đoạn tường thành, hào phía tây, phía nam thành Điện Hải đã xuất lộ phần nền móng sau nhiều năm ẩn sâu dưới lòng đất. Cụ thể, đoạn tiếp giáp tường hào từ cầu phía nam đến giữa hào phía tây có chiều dài 126 m.

Cấu tạo xây bằng gạch vồ truyền thống với nhiều loại kích thước khác nhau, nhiều khả năng do sản xuất thủ công và được nhiều địa phương làm.

Hào nước nguyên trạng đã được đơn vị thi công bóc lớp đất ẢNH: HOÀNG SƠN

Đáng chú ý, đơn vị đào thám sát còn phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây được cho là phần cầu dẫn của cổng thành thứ 3 bị vùi lấp trong chiến tranh. Phần móng này có chiều dài 14,2 m, rộng 4,2 m có cấu tạo hai bên xếp bằng đá ong, đá cuội; một phần nền xây bằng gạch vồ.

Báo cáo khẳng định sau khi đo vẽ, định vị phần móng tường hào phía tây, đối chiếu với vị trí, cấu tạo của tổng thể di tích cùng những luận cứ lịch sử thì đây chính là một phần cấu tạo nên tường hào thuộc di tích, là yếu tố gốc đã bị vùi lấp.

Khoảng cách giữa thành ngoài với thành trong khoảng 14 m ẢNH: HOÀNG SƠN

Theo tài liệu, đoạn hào, thành cổ có thể bị vùi lấp từ thời Pháp thuộc khi quân thực dân chiếm thành cho xây dựng đồn. Như vậy, phần di tích này có thể đã nằm sâu trong lòng đất trên dưới 100 năm qua.

TS-KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, đánh giá việc tiến hành song song giữa khai quật khảo cổ học và tu bổ, phục hồi di tích là việc làm xác đáng. Khi tiến hành trùng tu phải có biện pháp phục chế những viên gạch mới có chất lượng tương đương.

“Theo phương pháp tu bổ ở Mỹ Sơn thì những viên gạch mới phải có dấu vết niên đại, cụ thể là thời điểm 2018 khi đang tiến hành phục hồi. Việc quan trọng khi xây phục hồi thì phải xây lùi vào với bề mặt ban đầu từ 1-2 cm để phân biệt phần cũ với phần mới để con cháu mai sau có thể hình dung phần mới là phần nào”, ông Cương đề nghị.

Phần nền gạch được cho là móng của đường dẫn vào cổng thành thứ 3 ẢNH: HOÀNG SƠN

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, giảng viên Trường đại học Khoa học Huế, cho rằng qua các tài liệu gốc có từ triều Nguyễn có thể phía tây thành Điện Hải có một cổng thành mà hiện trường khảo cổ học đã hé lộ phần nền móng dẫn vào thành. Tuy nhiên, để khẳng định đây là cổng thành thì cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu và phải dựa vào các phương pháp khoa học hiện đại.

Ông Tiến cũng cho rằng nhiều khả năng cổng thành thứ 3 bị vùi lấp trong thời kỳ chống Pháp khi thực dân phá thành để lập đồn.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại hiện trường khai quật:

Các nhà nghiên cứu nhận định cổng thành thứ 3 ở phía tây đã được xây bít lại ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau cả trăm năm nằm trong lòng đất, tường thành Điện Hải đã được phát lộ ẢNH: HOÀNG SƠN
Hơn 80 hộ dân đã di dời và tái định cư để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt ẢNH: HOÀNG SƠN
Gạch vồ truyền thống nguyên gốc ẢNH: HOÀNG SƠN
Hiện dự án này đang triển khai cùng lúc hai tiểu phần, gồm khai quật khảo cổ học và tu bổ, tôn tạo ẢNH: HOÀNG SƠN
Công tác chống thấm nước trong lòng hào đang được triển khai khẩn trương ẢNH: HOÀNG SƠN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.