Cần một chiến lược cho "thương hiệu quốc gia"

16/10/2008 23:20 GMT+7

Từng có lúc đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn mở toang cửa nhưng chẳng có người xem, và khi chiếu phim thì phải đóng cửa để khán giả không bỏ về...

Tạo dựng "thương hiệu quốc gia", giúp thế giới hiểu biết đất nước - văn hóa - con người VN, tranh thủ sự hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thông qua giao lưu văn hóa để tiếp thu giá trị cao đẹp của văn hóa thế giới, làm giàu thêm văn hóa dân tộc là những vấn đề trong hội thảo Ngoại giao vì một bản sắc VN trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững, do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 15-16.10.

Đâu là "quốc hồn, quốc túy" của VN?

Tiếp thị hình ảnh VN hiệu quả, sinh động nhất có lẽ là bằng văn hóa. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan gợi ý "chọn những gì điển hình, tinh túy nhất để giới thiệu với thế giới". Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đề nghị chọn đàn bầu, áo dài, nhã nhạc và phở. Bà Nguyễn Nga (chủ nhân Ngôi nhà Nghệ thuật) lại "đề cử" diều sáo là sản phẩm "quốc hồn quốc túy" VN. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm kể chuyện Chính phủ từng chủ trương thiết kế quốc phục, nhưng rốt cuộc không thành, vì chưa tìm được trang phục tiêu biểu...

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE lại quan niệm, tiếp thị văn hóa không chỉ là bán sản phẩm văn hóa mà quan trọng hơn là bán "giá trị văn hóa". Ông cho rằng, do tiếp thị văn hóa chưa hiệu quả nên Hội An đã khiến du khách thất vọng, vì kỳ thực, "Hội An là nơi chẳng có gì để xem, song lại có rất nhiều thứ để cảm. Và đó chính là điều khiến cho Hội An trở thành nơi hội tụ của các nền văn minh", ông Trung nói.

 
Chương trình Duyên Dáng Việt Nam 18 tại Singapore - một trong những chương trình được đánh giá thành công về việc xã hội hóa ngoại giao văn hóa - Ảnh: Ngọc Hải

Phải cụ thể hóa cơ chế, chính sách ngoại giao văn hóa

Một trong những điều kiện tiên quyết là phải có chính sách ngoại giao cụ thể, thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Tình (Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL) kể chuyện VN đã bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh, khi đạo diễn Oliver Stone đề xuất với Bộ việc làm phim về cuộc thảm sát Mỹ Lai, xây dựng một ngôi làng Mỹ Lai thành điểm du lịch văn hóa sau khi phim quay xong, với kinh phí khoảng 40 triệu USD. Cục Hợp tác quốc tế đã không thể trả lời Oliver Stone vì VN chưa có chính sách cho những trường hợp như vậy.

Bà Nguyễn Thế Thanh (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM) bức xúc việc Tuần văn hóa VN đã thực hiện trong điều kiện gấp gáp, thiếu chuẩn bị và tốn kém không cần thiết bởi Sở VH-TT-DL mất rất nhiều thời gian chờ chỉ đạo của cấp trên. "Phải có cơ chế phân công chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp thực hiện để tránh tình trạng giẫm chân lên nhau", bà Thanh nói. Bà đề nghị Chính phủ dự án hóa các hoạt động văn hóa đối ngoại bằng cách cụ thể hóa chủ đề, phạm vi, thời gian, nội dung, chất lượng sự kiện, từ đó, định rõ quy chế tài chính.

Ông Trần Bình (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương) đề xuất, Chính phủ nên bỏ quy định nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp chưa vào biên chế thì không được ra nước ngoài biểu diễn, bởi quy định này sẽ khiến nhiều "ngôi sao" chưa vào biên chế mất cơ hội quảng bá văn hóa.

Ông Vũ Khoan lưu ý, chuyển tải ngoại giao văn hóa không được máy móc mà phải tính đến chiều hướng phát triển của văn hóa thế giới, và nhu cầu hưởng thụ của người xem. Ông cho rằng ngoại giao văn hóa phải chú ý bối cảnh mới, bởi nó đặt ra những yêu cầu mới về nội dung và phương thức. Và, đã là "ngoại giao văn hóa thì phải chú ý đến văn hóa ngoại giao".

Ngoài ra, huy động sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực xã hội, từ các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước sẽ khiến hoạt động ngoại giao văn hóa phát huy tối đa hiệu quả. Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại - UNESCO Phạm Sanh Châu dẫn chứng trường hợp Báo Thanh Niên chủ động tổ chức các chương trình Duyên Dáng VN tại các nước như một thí dụ về việc xã hội hóa ngoại giao văn hóa thành công.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.