Bộ phim Cánh đồng bất tận được nhà biên kịch Ngụy Ngữ chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm từng là tâm điểm chú ý của văn đàn Việt Nam khi vừa đăng trên Báo Văn Nghệ vào năm 2003.
Nhiều khán giả không khỏi rớt nước mắt đồng cảm với thân phận của các nhân vật. Một người đàn ông tên Võ chỉ biết sống vì tình yêu nhưng khi bị phản bội đã trở nên cục cằn, lạnh lùng, làm tổn thương mọi phụ nữ đến với mình, hay trút nỗi buồn bực bằng các trận đòn lên lũ con nhỏ dại và chẳng mấy khi quan tâm hay trò chuyện với chúng kể từ khi người mẹ bỏ đi. Một cô gái điếm Sương bơ vơ, bầm dập cả thể xác lẫn tâm hồn sau trận đánh ghen thú tính của những mụ đàn bà. Một Nương trong sáng, thánh thiện, nhưng tuổi thơ cơ cực, luôn sống trong những nỗi buồn bị kìm nén, chỉ có thể trò chuyện với người bạn duy nhất là em trai. Một Điền mắc bệnh chảy nước mắt sống, mười sáu tuổi nhưng chẳng thể chộn rộn khi nhìn thấy con gái.
Giữa những nỗi buồn khổ tột cùng cùng cuộc sống của nghề nuôi vịt chạy đồng nay đây mai đó giống như cuộc tìm kiếm bất tận những cánh đồng, những con người luôn khát khao, cồn cào một tình yêu, tình người chân thật, ấm áp, một mái nhà yên bình. Sự khát khao đó được đẩy lên đến cao trào khi Sương được Điền cứu trong vụ đánh ghen về sống trên chiếc ghe cùng bố con ông Võ. Sự xuất hiện của Sương giống như sự trở lại của người đàn bà lâu nay thiếu vắng trong gia đình. Với Nương, Sương giống như người mẹ, yêu thương, dạy dỗ cách chăm sóc bản thân khi người con gái đến tuổi dậy thì. Với Điền, Sương đã khơi dậy bản năng yêu, được yêu tuy có phần nhục cảm nhưng đó là sự ham muốn chân thật của thanh niên đang lớn. Với Võ, anh không dám mở lòng với Sương bởi anh chưa thể vứt bỏ quá khứ. Chỉ đến khi Sương và Điền bỏ đi, tình yêu thương của anh mới trở lại.
Sự sáng tạo của nhà làm phim
Hầu hết những khán giả đã từng đọc truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đều nhận thấy bộ phim đã thoát ra khỏi tác phẩm.
Nhiều chi tiết, hình ảnh ẩn dụ đã tạo nên sự xúc động sâu sắc cho người xem. Lá thư mà người vợ cũ để lại bay theo gió cũng là lúc Võ dám dứt bỏ quá khứ, quên đi hình ảnh cô. Khi Võ đưa lại chiếc nhẫn của người vợ cũ cho con gái cũng là lúc bản tính yêu thương, che chở cho các con của anh được đánh thức.
Hình ảnh người phụ nữ đi trên cánh đồng lúa mênh mông xuất hiện hai lần trong phim, nhưng ý nghĩa ẩn dụ lại hoàn toàn khác nhau. Hình ảnh đầu tiên là khi Sương rời bỏ gia đình Võ. Dáng hình người phụ nữ nhỏ bé cô đơn, bơ vơ, cứ mải miết đi giữa cánh đồng bất tận, không biết đâu là điểm đến, không biết nơi nào dành cho mình. Hình ảnh thứ hai xuất hiện ở cuối phim, cánh đồng lúa chín vàng ruộm, Nương đang mang bầu, cô hạnh phúc khi một đứa trẻ sắp chào đời, cuộc sống mới, tương lai mới đang mở ra với nhiều người. Cái kết của phim với cuộc sống yên ấm của hai cha con được cho là một cái kết tươi sáng, trọn vẹn.
Trong phim có nhiều cảnh quay táo bạo, khá “nóng”, nhưng hầu hết những cảnh đó đều bao hàm ý nghĩa sâu sắc. Mở đầu phim là cảnh cô gái điếm Sương bị đánh ghen, quần áo bị xé rách. Nhiều người xem có thể hơi... choáng với những hình ảnh táo bạo, nhưng với nhiều người điều đó mới thực sự lột tả hết tình cảnh thảm hại, bị dồn đến đường cùng của Sương. Hình ảnh Sương dầm mình dưới đầm để tẩy sạch lớp keo dính sắt bị đổ lên người cũng là sự lột bỏ nhơ nhớp. Cuộc hoan lạc giữa Sương và Võ cho thấy tình yêu chân thành của Sương dành cho anh, thứ tình cảm mà trước đây một cô gái điếm như Sương không bao giờ nghĩ tới.
Những cảnh quay với góc máy rộng đã tạo nên ấn tượng đặc biệt cho người xem. Hình ảnh sông nước miền Tây Nam Bộ với những con kênh chằng chịt, những cánh đồng mướt mát xanh... hiện lên giống như một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Bên cạnh hai tên tuổi là Dustin Nguyễn (Võ) và Hải Yến (Sương), hai diễn viên trẻ Lan Ngọc (Nương) và Thanh Hòa (Điền) đã tạo ấn tượng cho những nhà làm phim có mặt trong buổi chiếu.
Buổi trình chiếu ra mắt có sự tham dự của nhiều nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Sau khi bộ phim kết thúc, đạo diễn Philip Noyce đã ra ôm diễn viên Hải Yến chúc mừng, diễn viên Ngô Ngạn Tổ thì nói: “Bộ phim rất cảm động”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xúc động: “Khi tới đây, tôi không hy vọng bộ phim chỉ là minh họa cho tác phẩm của tôi. Xem phim xong, tôi hiểu bộ phim là một tác phẩm hoàn toàn độc lập”. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần suýt khóc, đến đoạn kết thì tôi không cầm được nước mắt. Tôi bị bộ phim cuốn đi, không còn bị ám ảnh bởi tập truyện đã từng đọc. Phim và truyện chỉ giống nhau ở tinh thần, nhưng rất khác nhau, kết cục của phim tươi sáng hơn nhiều. Tôi đặc biệt ấn tượng với diễn viên Lan Ngọc. Tôi mong có dịp được hợp tác với cô ấy”. |
Minh Ngọc
Bình luận (0)