Chứng nhân những khoảnh khắc lịch sử

12/07/2017 07:07 GMT+7

Sáng 11.7, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) khai mạc triển lãm chuyên đề Những khoảnh khắc lịch sử, trưng bày 70 bức ảnh quý giá nhất trong giai đoạn làm phóng viên chiến trường Thông tấn xã VN của nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc từ năm 1962.

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất và… chụp ảnh


NSNA Minh Lộc sinh ngày 1.3.1937 ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ông từng theo học Trường quốc gia Âm nhạc (Hà Nội) 2 năm trước khi gắn bó với nghề nhiếp ảnh và làm phóng viên Thông tấn xã VN cho tới lúc nghỉ hưu. Ông đã tổ chức 47 triển lãm cá nhân; vinh dự được gặp Bác Hồ năm ông gần 20 tuổi và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu TNXP, Huy hiệu Bác Hồ...

Để có cuộc triển lãm độc đáo này (diễn ra từ 11.7 - 10.9), nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Minh Lộc phải 3 lần ra Hà Nội tìm những tư liệu gốc ngày xưa. Lần nào ra ít nhất cũng 15 ngày, nhiều nhất là hơn 1 tháng. Ngày nào ông cũng tới phòng tư liệu của Thông tấn xã VN từ sáng sớm đến tối mịt để “lùng” các bức ảnh, rồi mang về TP.HCM chọn lọc, chú thích. Công tác chuẩn bị kéo dài suốt gần 4 năm. “Bộ ảnh Những khoảnh khắc lịch sử chia làm 6 chuyên mục: Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Tây Ninh, Lộc Ninh và 30.4 nhưng đều cùng chung một nội dung xuyên suốt, đó là sự tàn khốc và dữ dội của chiến tranh”, NSNA Minh Lộc cho biết.
Theo đoàn học sinh miền Nam bí mật tập kết ra bắc, học xong lớp nhiếp ảnh đầu tiên của nước VN Dân chủ Cộng hòa, năm 1960 ông về công tác tại Thông tấn xã VN. Năm 1962, Minh Lộc được biệt phái về Quảng Ninh chuyên trách ảnh về ngành than. Ông vừa tham gia sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu và cầm máy vào tận các ngóc ngách trận địa để có được những bức ảnh đắt giá nhất. Suốt
10 năm tác nghiệp ở vùng mỏ, ống kính của ông đã ghi lại những khoảnh khắc đắt giá về đời sống, sản xuất, chiến đấu ở nhiều mỏ than: Vàng Danh, Đèo Nai, Hà Tu, Cọc Sáu, Thống Nhất, Mạo Khê... Ông còn mang theo thuốc, dùng buồng tối đường lò để tráng phim tại chỗ. Có thời điểm cả TX.Hòn Gai toàn bộ người dân, bệnh viện và nhà máy phải di dời hết vào trong các hang động để tránh bom đạn, đường phố không một bóng người nhưng một mình Minh Lộc với chiếc máy trên tay vẫn xông pha giữa khói lửa, không chút run sợ.
Bức ảnh chụp ông Dương Văn Minh ngày 3.5.1975
Chết cũng phải chụp được
Để có những bức ảnh máy bay rải bom hủy diệt tại Quảng Ninh, NSNA Minh Lộc phải nằm phục phía trên các cửa hang động, máy ảnh luôn trong tư thế sẵn sàng. Và kết quả là những bức ảnh ở bến than bên cạnh chân núi Bài Thơ trong bom rơi đạn nổ cực kỳ quý giá. Sau này, ông còn có mặt ở tuyến lửa Vĩnh Linh hơn 5 tháng, chụp nhiều bức ảnh “có tính thời sự nóng hơn lửa” và có mặt tại trận đánh giải phóng Đông Hà (Quảng Trị).
Kỷ niệm nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề của ông là 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” với những hình ảnh B52 ném bom Hà Nội. “Thời gian đó, lúc nào nghe tiếng phát thanh viên thông báo “Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội... cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn” là tôi… vọt ngay lên nóc nhà để chụp ảnh. Hồi đó không sợ gì cả. Chúng tôi hay nói vui với nhau: B52 ném chưa chắc trúng, trúng chưa chắc chết, chết chưa chắc nhặt được xác”, ông kể. Bức ảnh chụp ở ga Hàng Cỏ, ông nhớ như in, đó là ngày 24.12.1972, khoảng 16 giờ ông đang ngồi trên nóc nhà cơ quan Thông tấn xã VN thì thấy máy bay đang ném bom ga Hàng Cỏ. Chụp được mấy pô, ông vội vàng lấy xe đạp đi ngay ra đó, nhờ vậy mà ông sở hữu nhiều tấm ảnh mang đậm tính thời sự. “Nơi nào ác liệt nhất là tôi có mặt, như trận địa sông Hồng bảo vệ cầu Long Biên, trận địa Ba Đình... Nhiều khi để có tấm ảnh máy bay trong lưới lửa của pháo, tôi phải “chịu trận” đứng giữa không gian trống lia máy ngay trên đầu”, ông nhớ lại.
NSNA Minh Lộc tại Đông Hà (Quảng Trị) năm 1971 Ảnh: NSCC
Đầu năm 1973, ông rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam. “Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ngày 4.4.1975 tôi bắt đầu đi bộ từ Tây Ninh. Trên đường hành quân, khi qua trạm mỗi người phải vác một trái đạn nặng, riêng tôi được miễn nhiệm vụ này để mang máy chụp ảnh. Nhờ đi phía sau các chiến sĩ nên tôi chụp được rất nhiều cảnh hành quân, vác đạn dược, vận chuyển lương thực bằng xe đạp. Khi đoàn tới khu vực Bà Hom (Q.6, TP.HCM bây giờ) thì nhận được tin ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người ôm nhau khóc. Mừng quá, mong ước bao nhiêu năm giờ mới được độc lập. Tôi bấm máy liên tục mà khóe mắt cứ rưng rưng”.
NSNA Minh Lộc giới thiệu về tấm ảnh ông chụp Tổng thống Dương Văn Minh đang cúi đầu xuống, hai tay để trên bàn, được triển lãm trong đợt này: “Đây là bức ảnh nổi tiếng vào thời điểm đó, được báo chí quốc tế sử dụng ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Đó là ngày 3.5.1975, khi Chính phủ cách mạng trả tự do cho ông Dương Văn Minh và ông Minh bày tỏ sự xúc động của mình. Tôi tự hào vì chụp được một thời khắc quý giá ở thời điểm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh gây nhiều đau thương”.
Chứng nhân những khoảnh khắc lịch sử
Mỏ than Hòn Gai bị ném bom
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.