Chuyện hậu cung triều Nguyễn

13/02/2019 08:31 GMT+7

Với hai chủ đề chính: Huế - di sản văn hóa (34 bài) và Triều Nguyễn - những vấn đề lịch sử (12 bài), tác phẩm Huế - triều Nguyễn một cái nhìn của Trần Đức Anh Sơn (do Omega và NXB Thế giới vừa ấn hành) tái bản lần này bổ sung nhiều tư liệu đáng chú ý.

Hiện nay chuyện các ngôi sao sắm du thuyền là bình thường nhưng ở thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì “nghề chơi” này cũng lắm công phu. Triều Nguyễn cho đóng những loại thuyền dành riêng cho nhà vua, hoàng gia triều thần và tùy tùng. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thống kê: “Những loại thuyền dành riêng cho nhà vua, hoàng gia triều thần và đoàn tùy tùng như: ngự chu (du thuyền của vua), long chu (thuyền rồng của vua), lâu thuyền (du thuyền của vua, có hai tầng), từ chu (du thuyền của thái hậu), lê thuyền (có nhiều người chèo để kéo thuyền ngự), đĩnh (hộ tống thuyền ngự) và dẫn đĩnh (dẫn đầu thuyền ngự của vua)”… Phần lớn các thuyền vua đặt tên riêng: Thái Long, Ngự Hải, Tế Thống, Thanh Yến, Vĩnh Ninh… sơn son thếp vàng hay thếp bạc, chạm khắc những hoa văn hình rồng năm móng, mây, văn, sóng nước. Thuyền của thái hậu đặt tên Nhân Thọ, Yến Như… chạm hình chim phụng…
Theo quy định của triều Nguyễn, tất cả các ngôi điện chính nằm trên trục dũng đạo: Thái Hòa Điện, Cần Chánh Điện, Càn Thành Điện… hoặc các công trình dành cho nhà vua sử dụng thì mái được lợp ngói hoàng lưu ly (tráng men vàng). Các công trình kiến trúc nằm hai bên dũng đạo/thần đạo, công trình dành cho hoàng gia, quan lại thì mái chỉ lợp ngói thanh lưu ly (tráng men xanh). Tác giả Trần Đức Anh Sơn có phát hiện thú vị: “Tháng 11 năm Gia Long thứ 9 (1810), vua Gia Long ra đạo dụ thành lập ở Long Thọ - một ngọn đồi nhỏ cách Hoàng thành Huế khoảng 4 km, một xưởng sản xuất gạch ngói và đồ gốm men, đồng thời cho phép một người Hoa tên Hà Đạt cùng 3 người thợ làm gạch ngói giỏi ở Quảng Đông đến Long Thọ giúp triều đình sản xuất các loại gạch ngói tráng men nhiều màu sắc... Sang triều Khải Định, do lò này ngưng hoạt động nên khi xây dựng Ứng Lăng, sơn phần của nhà vua sau này vua Khải Định đã mua ngói ardoise (màu đen) từ Pháp về để lợp các công trình kiến trúc như Bi Đình và Thiên Định Cung”.
Còn trong cách ăn mặc, thời Nguyễn quy định rất rõ về màu sắc trong trang phục dành cho từng giai tầng của xã hội và chỉ có nhà vua và thành viên của hoàng gia mới được dùng màu vàng. Áo dài Việt cũng được cho là có từ thời Nguyễn Phúc Khoát. Đây là thông tin được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn khẳng định trong cuốn sách, bằng một mệnh lệnh hành chính vào năm 1744 của võ vương Nguyễn Phúc Khoát đang cai trị xứ Đàng Trong.
Chuyện hậu cung triều Nguyễn1
Ngoài ra, có nhiều trang viết về cuộc đời đầy thăng trầm của bà Hoàng Thị Cúc, thân mẫu vua Bảo Đại - hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn với những bí mật hậu cung hấp dẫn. Chuyện vì gia cảnh quá khó khăn nên bà Hoàng Thị Cúc được “tiến” vào cung làm thị nữ hầu hạ hai bà vợ góa vua Đồng Khánh từ đó mà có cuộc gặp gỡ định mệnh với Phụng Hóa công Nguyễn Phước Bửu Đảo là vua Khải Định sau này. Để rồi năm 1913, bà sinh hạ cho ông hoàng Bửu Đảo công tử Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, mà theo lời đồn đãi, thì Phụng Hóa Công chỉ là người “đổ vỏ” cho hoàng thân Hường D, một người ở hàng vai ông nhưng lại là bạn bè thân thiết của ông hoàng Bửu Đảo..., từng lưu truyền trong dân gian ở Huế cũng được “bật mí” bất ngờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.