“Cô Tây” mặc áo ca trù...

06/04/2006 23:04 GMT+7

Sáng ngày 5.4.2006, tại buổi nói chuyện chuyên đề Khái quát về âm nhạc dân tộc của GS-TS Trần Văn Khê tại Trung tâm văn hóa TP.HCM, rất nhiều người đã ngạc nhiên và thú vị khi chứng kiến một cô gái Pháp ngồi gõ phách và hát ca trù “hồng hồng tuyết tuyết”...

 Ngay buổi chiều cùng ngày chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ thú vị với cô gái này tại tư gia GS-TS Trần Văn Khê. Aliénor Anisensel, 25 tuổi, vóc dáng mảnh khảnh hơn cả người Việt. Cô rất cố gắng để diễn đạt bằng tiếng Việt, chỉ đôi lúc bối rối mới quay sang hỏi thầy Khê bằng tiếng Pháp. "Cái duyên đã đưa em đến với ca trù Việt Nam và em không biết cắt nghĩa như thế nào về sự say mê ca trù của em", cô cho biết.

Sinh ra trong một gia đình không có ai hoạt động âm nhạc, chỉ trừ đứa em trai biết chơi jazz, khi đang loay hoay tìm đề tài cho luận án thạc sĩ sẽ bảo vệ vào năm 2004 thì tình cờ Anisensel nghe mẹ nhắc đến hai tiếng "Việt Nam", chẳng là cụ cố nội từng lập nghiệp ở Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Chính vì luôn nhớ hai tiếng "Việt Nam" này nên khi tình cờ trông thấy 2 CD Ca trù Việt Nam trong một cửa hàng ở Paris, cô mua ngay. Và rồi những giọng hát, tiếng đàn đáy, tiếng nhịp phách từ các CD này như có ma lực cuốn hút tâm trí cô sinh viên người Pháp. Cô quyết định chọn ca trù Việt Nam làm đề tài luận án và tìm gặp GS - nhạc sĩ Trần Quang Hải. Thầy Hải khuyên Anisensel nên đến gặp và học hỏi về ca trù với bố ruột của ông là GS-TS Trần Văn Khê. Thầy Khê nhìn cô... lắc đầu ái ngại, vì muốn hiểu thấu đáo ca trù phải biết tiếng Việt, phải biết hát ca trù và phải đến cái nôi của ca trù là miền Bắc Việt Nam. Khó khăn như thế, cứ ngỡ rằng Anisensel đã bỏ cuộc, nhưng giấu trong vóc dáng mảnh khảnh ấy là một nghị lực phi thường. Năm 2003, Anisensel đến Hà Nội và gặp gỡ nhóm ca trù Thái Hà. Tại đây, cô được nữ nghệ nhân Nguyễn Thúy Hòa (hậu duệ của nghệ nhân ca trù nổi tiếng Quách Thị Hồ) truyền thụ những kỹ năng hát ca trù, Anisensel thích nhất bài Hồng hồng tuyết tuyết... Rồi cô một thân một mình tìm đến làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi có đền thờ vợ chồng ông Đinh Dự - được cho là ông tổ của ca trù. Tại đây, cô được nghệ nhân Nguyễn Thị Thảo dạy Hát cửa đình, hát thờ và hát ở chùa, em ruột của chị Thảo là Nguyễn Văn Khuê dạy cho Anisensel ngón đàn đáy (theo thầy Khê thì đây là một người trẻ tuổi có ngón đàn đáy chín chắn nhất). Khi mới qua Việt Nam, Anisensel chỉ muốn tìm hiểu ca trù dưới khía cạnh dân tộc học và xã hội học, không ngờ càng tìm hiểu càng... mê nên đã học tiếng Việt (cô viết tiếng Việt có bỏ dấu rất đúng chính tả), học hát, họåc gõ phách và cả học đàn đáy... Hôm chấm luận văn thạc sĩ cho Anisensel, tổ chức tại Trường ĐH Paris X Narterre, thầy chánh chủ khảo Trần Văn Khê đã không cầm được nước mắt trước những nỗ lực phi thường của cô học trò nhỏ. Thầy Khê tiết lộ: "Sau đó, Anisensel gửi cho tôi một bức thư cám ơn viết bằng tiếng Việt, câu cuối cùng là Em xin phép thầy, xin thầy nhận em là con tinh thần của thầy - tôi lặng người đi và xúc động".


Anisensel và GS Trần Văn Khê trong một buổi thuyết trình về âm nhạc - ảnh: Trần Bình

Anisensel tiếp tục chọn ca trù làm đề tài cho luận văn tiến sĩ của mình. Lần này với học bổng của Viện Viễn Đông Bác Cổ, cô bay sang Việt Nam từ tháng 11.2005. Ở Hà Nội 4 tháng rồi trở lại làng Lỗ Khê và ra tận Hải Dương học ca trù với cụ Nguyễn Phú Đẹ (hơn 80 tuổi). Khi nghe cô có ý định tìm hiểu ca trù ở phía Nam (cụ thể là ở TP.HCM),  nhiều người đã cản ngăn "trong đó làm gì có ca trù!". Thế nhưng Anisensel đã từng hát ca trù với CLB Lạc Việt tại nhà tiến sĩ Nguyễn Nhã, được nghe nhà thơ Phạm Công Huyền (93 tuổi) kể về ca trù, được nghe tiếng trống của nhạc sĩ Tô Long (80 tuổi), tiếng đàn đáy của nhạc sĩ Nhị Hùng và tiếng hát của các nghệ sĩ Thanh Hiền, Thục An và cả những khúc ca trù mới do nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân sáng tác... Rõ ràng dù ca trù ở phía Nam không mang tính chuyên nghiệp như ở các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn có một mạch chảy lặng thầm... Thầy Khê kể thêm: thường thì sau khi học hát, giáo phường sẽ tổ chức lễ "xiêm áo" cho họåc trò, học trò nhận và mặc áo ca trù xong phải hát ở cửa đình, sau đó mới được phép hát ở ngoài. Cô Thúy Hòa thương Anisensel quá nên... tặng "cô học trò Tây" một áo ca trù, Anisensel rất hãnh diện khi mặc áo này và "diện" đi giao lưu với CLB ca trù Bích Câu (Hà Nội). Thấy "cô Tây" mặc áo ca trù nên người ta bắt... phải hát (theo tục lệ). Lần đầu tiên Anisensel hát với người đàn không phải thầy mình, người cầm chầu cũng lạ hoắc! Thế mà khi cô hát, người cầm chầu đã điểm vào tang trống (khen) đến... 16 lần!

Đáng ra Anisensel phải trở về Pháp vào tháng 5, nhưng vì được mời dự Hội nghị quốc tế về ca trù diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6.2006 nên cô đã xin gia hạn để có thêm thời gian ở lại Việt Nam dự hội nghị này.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.